Tập trung điều tra các vụ phá rừng ở Đắk Glong

Lê Phước| 02/09/2021 08:05

Những năm gần đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn huyện Đắk Glong diễn biến phức tạp, kéo dài. Trước tình hình trên, Công an tỉnh chỉ đạo tập trung điều tra xử lý nghiêm các vụ phá rừng trên địa bàn huyện Đắk Glong.

ADQuảng cáo

Đi dọc quốc lộ 28 và tỉnh lộ 6, đoạn đi qua địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong), không khó để thấy nhiều vạt rừng mới bị phá. Từng rặng cây rừng lớn đổ gục, bị đốt cháy nham nhở. Một số khoảnh rừng đã và đang được dọn dẹp để lấn chiếm, trồng cây nông nghiệp.

Một vụ phá rừng quy mô lớn tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong)

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Lê Đình Tuấn, tình trạng phá rừng trên địa bàn xã thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chính là do các đơn vị chủ rừng buông lỏng quản lý. Không chỉ để xảy ra phá rừng, một số chủ rừng còn để người dân lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép, dẫn đến tranh chấp, tạo thành các điểm mất an ninh trật tự.

Tình trạng phá rừng ở các xã Đắk R’măng, Đắk Ha… cũng diễn biến phức tạp. Thống kê của UBND huyện Đắk Glong cho thấy, từ năm 2019 đến tháng 6/2021, toàn huyện xảy ra 830 vụ vi phạm lâm luật. Trong số này, phá rừng trái phép chiếm 711 vụ, diện tích thiệt hại gần 220 ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong Nguyễn Văn Hợp cho hay: Huyện có diện tích rừng tự nhiên lớn (chiếm 1/3 của tỉnh), địa bàn rộng, địa hình phức tạp, hiểm trở. Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các đơn vị chủ rừng và các đơn vị chuyên môn, chính quyền chưa thực sự chặt chẽ, đồng bộ.

Đắk Glong là địa phương có số lượng dân di cư tự do đến làm ăn, sinh sống lớn nhất tỉnh. Công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến áp lực lên rừng, đất rừng tăng cao.

Tại một số nơi, người dân di cư tự do ở ngay bìa rừng, thậm chí trong vùng lõi rừng. Người dân canh tác nương rẫy xen kẽ với rừng, dẫn đến việc rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm diễn ra từng ngày.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hợp, lực lượng chức năng chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong việc ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng. Lực lượng kiểm lâm còn mỏng, chưa tương xứng với diện tích quản lý.

ADQuảng cáo

Trong đó, một số cán bộ còn hạn chế về năng lực, dao động về tư tưởng. Việc phát hiện, điều tra và xử lý các vụ phá rừng còn chậm, phần lớn không xử lý được đối tượng, nên chưa tạo được tính răn đe.

Rừng ở Đắk Glong bị phá nhằm lấn chiếm đất để sản xuất

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an tỉnh Đắk Nông, từ năm 2019 tới nay, Đắk Glong xảy ra khoảng 720 vụ phá rừng, chiếm gần 2/3 toàn tỉnh.

Trong đó, 33 vụ phá rừng được lực lượng công an tiến hành điều tra, xác minh. Đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 16 vụ, với 11 đối tượng. Các vụ phá rừng còn lại không đủ dấu hiệu hình sự hoặc không xác định được đối tượng để xử lý.

Thượng tá Hoàng Văn Hùng, Phó Trưởng Phòng PC03 cho rằng, công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ phá rừng còn gặp nhiều khó khăn. Các đối tượng phá rừng với quy mô nhỏ lẻ, chia nhỏ thời gian để phá, lấn chiếm trong thời gian dài.

Một số vụ việc xảy ra rất lâu mới phát hiện nên việc điều tra, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc điều tra các vụ án về rừng, đất rừng cần nhiều cơ quan chuyên môn và thiết bị chuyên dụng nên thời gian bị kéo giãn thêm.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Công an tỉnh cho rằng, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó chủ rừng và kiểm lâm làm nòng cốt. Riêng lực lượng công an sẽ tiếp tục nâng cao trách nhiệm, tập trung điều tra các vụ án phá rừng và làm rõ các đối tượng liên quan để xử lý.

Đại tá Bùi Quang Thanh, Giám đốc Công an tỉnh cho hay: Qua rà soát, chúng tôi đã phát hiện một số khu vực có dấu hiệu tội phạm hoạt động liên quan đến phá rừng, hủy hoại tài sản, tranh chấp, mua bán đất rừng trái phép tại Đắk Glong. Công an tỉnh sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để hình thành các băng nhóm có biểu hiện liên quan đến phá rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung điều tra các vụ phá rừng ở Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO