Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế

Đức Hùng| 16/08/2016 10:07

Tính đến hết tháng 7/2016, các đơn vị trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh đã trồng được gần 940 ha, đạt 35% kế hoạch được giao.

ADQuảng cáo

Thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2016, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch trồng 2.674 ha, giao cho 22 đơn vị thực hiện việc trồng. Tính đến nay, ngoài 15 đơn vị thực hiện trồng thì toàn tỉnh vẫn còn tới 20 đơn vị chưa thực hiện kế hoạch trồng rừng. Nguyên nhân chính là do đất triển khai trồng rừng đã bị người dân xâm chiếm trồng các loại cây công nghiệp nên việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn.   

Chăm sóc rừng thay thế bán ngập tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng thuộc xã Đắk Som (Đắk Glong)

Sau khi được giao kế hoạch trồng rừng thay thế, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã thống kê trong tổng số hơn 290 ha bị người dân xâm chiếm thì có tới 130 ha trồng cà phê, hồ tiêu; số diện tích còn lại người dân đang thực hiện trồng hoa màu ngắn ngày. Vì thế, việc thực hiện kế hoạch giao của Công ty gặp rất nhiều khó khăn. Người dân không phối hợp trồng rừng và đã xảy ra tranh chấp nhiều lần với đơn vị trồng rừng. Đến nay, Công ty mới trồng được 15 ha trên diện tích được giao.

Ông Phạm Hòa Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết: “Trước khi bước vào “mùa” trồng rừng, đơn vị đã thông báo, gắn các biển thông báo tại điểm trồng rừng, tổ chức họp dân để các hộ dân không tiến hành gieo trồng trên diện tích sẽ triển khai trồng rừng nhưng người dân không phối hợp. Về phía chính quyền địa phương, các đơn vị cũng chậm vào cuộc tuyên truyền, khiến tiến độ trồng rừng thay thế bị ảnh hưởng rất nhiều”.

ADQuảng cáo

Tương tự, tại Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Sản xuất khoáng sản Phú Gia Phát được giao trồng 400 ha rừng thay thế tại tiểu khu 1260 thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô), đơn vị cũng đang gặp nhiều khó khăn do quỹ đất bị lấn chiếm.

Ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: "Chính quyền địa phương đã cưỡng chế, giải tỏa diện tích đất và giao đất trống cho đơn vị thực hiện việc trồng rừng. Thế nhưng, người dân ngày sau đó lại xâm lấn và trồng bắp trên diện tích Công ty được bàn giao. Không dừng lại ở việc xâm lấn, người dân đã phá cây rừng đã được trồng và xảy ra xô xát với công nhân trồng rừng”.

Cụ thể, đầu tháng 6/2016, nhiều lô cây rừng sau khi trồng đã bị phá hoại với các cách thức như nhổ bỏ và phun thuốc diệt cỏ làm cây chết, tổng diện tích là 15 ha muồng gây  thiệt hại hơn 70 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn gây áp lực, xô xát với công nhân trồng rừng khiến việc trồng rừng bị gián đoạn.

Theo báo cáo của Công ty, đến đầu tháng 8, đơn vị mới trồng được 55,96 ha trong tổng diện tích 400 ha rừng được giao theo kế hoạch. Ông Vượng cho biết thêm: “Hiện nay, Công ty mong muốn chính quyền địa phương, ngành chức năng vào cuộc hỗ trợ, phối hợp cùng với đơn vị xử lý các đối tượng phá hoại tài sản nhằm tiếp tục triển khai dự án trồng rừng đạt kết quả cao hơn.

Ông Nguyễn Quân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Hiện nay, thời gian đã gần cuối vụ trồng rừng, các đơn vị đang gặp khó khăn trong việc xử lý đất lâm nghiệp bị xâm canh nên sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng thuận trồng rừng có vai trò rất quan trọng. Với diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, công tác tuyên truyền vận động tiếp tục được chú trọng để người dân phối hợp trồng rừng, sau đó mới tiến hành các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những đơn vị được giao diện tích lớn, nếu không có phương án xử lý kịp thời, ngành sẽ điều chỉnh giao các đơn vị khác có quỹ đất hoàn thành trồng rừng theo kế hoạch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng thay thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO