Thiếu thốn đủ bề, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa khó lòng giữ được rừng

Đỗ Công - Hồng Thoan| 28/05/2020 08:46

Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Gia Nghĩa (Đắk Nông) được thành lập từ nhiều năm qua, nhưng hiện nay vẫn đang hết sức thiếu thốn về cơ sở vật chất. Thực trạng này đã gây không ít khó khăn, bất tiện trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở đơn vị.

ADQuảng cáo

Ăn tạm, ở nhờ

Để chuẩn bị cho buổi đi tuần tra rừng, thay vì chỉ lo phương tiện, trang thiết bị, từ sáng sớm, anh Trần Văn Hòa, cán bộ quản lý rừng, BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa cùng đồng nghiệp đã phải chuẩn bị thức ăn để mang theo. Không có đồ đạc và nơi nấu ăn ổn định, nhóm của anh Hòa phải chế biến sẵn thức ăn từ nhà rồi mang theo.

BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa đang mượn lại căn nhà (ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) của Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa trước đây để làm trụ sở

Được giao quản lý bảo vệ rừng khu vực xã Đắk Ha, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) và trải dài trên 13 tiểu khu, vì thế mỗi lần đi rừng, các anh phải ở lại trạm quản lý bảo vệ rừng. Nói trạm, nhưng thực chất chỉ là cái lán nhỏ, trống không mượn của người dân giữa rẫy cà phê. “Nếu vào đây mà gặp mùa mưa thì rất khổ. Còn hôm nào trời nắng, ở lại trạm rất nóng và ngược lại đêm xuống, lạnh buốt người”, anh Hòa tâm sự.

Các BQL rừng phòng hộ được đầu tư khá bài bản

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 5 BQL rừng phòng hộ gồm: BQL rừng phòng hộ Đắk R’măng, BQL rừng phòng hộ Thác Mơ, BQL rừng phòng hộ Vành đai biên giới, BQL rừng phòng hộ Nam Cát Tiên và BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa.

Ngoài BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa chưa có trụ sở, trạm quản lý bảo vệ rừng thì các đơn vị còn lại cũng đã được đầu tư, trang bị khá nhiều về cơ sở vật chất.

Tuy đã có sự chuẩn bị, nhưng do đường đi vào các trạm xa và khó khăn, nên thứ thiết yếu nhất được các anh mang theo chỉ là gạo, cùng thức ăn đã chế biến. Nhóm đống lửa để đốt mấy ống lồ ô chứa gạo là thứ dễ dàng, thuận tiện nhất trong công đoạn nấu cơm. Vì vậy, dù có chuẩn bị bữa ăn cho 10 người, các anh cũng chỉ cần đem thêm gạo, thức ăn và một cái nồi nhôm là đủ. Không cần tô, bát, đũa... nên họ dùng lá rừng đựng đồ ăn. Có lẽ, trong mỗi bữa cơm, thứ mà họ cảm nhận được là những khó khăn, thiếu thốn...

Trạm quản lý bảo vệ rừng là một nhà rẫy được mượn tạm của dân

ADQuảng cáo

Cũng theo anh Trần Văn Hòa, do diện tích rừng, đất rừng chủ yếu dạng “da báo”, nằm xen lẫn với vườn rẫy của người dân, nên việc quản lý bảo vệ rất khó khăn. Cả 13 tiểu khu thuộc huyện Đắk Glong được đơn vị chia thành hai trạm quản lý bảo vệ. Các trạm này đều phải mượn tạm nhà của dân, nên vừa bất tiện, vừa tạm bợ. Nhiều anh em trẻ, mới vào làm việc thấy khổ cực quá đã phải xin nghỉ việc.

Kinh phí quá eo hẹp

Được thành lập từ năm 2016 và đi vào hoạt động trong năm 2017, nhưng theo ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa, kể cả trụ sở của đơn vị cũng còn… đi mượn.

Các cán bộ BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa kiểm tra hiện trạng rừng

Cũng theo ông Trọng, đến nay, trang thiết bị giá trị nhất của đơn vị là chiếc xe ô tô bán tải cũ (được chuyển giao từ đơn vị khác-PV), 3 bộ máy tính và 5 chiếc xe máy phục vụ tuần tra rừng. “Ngay cả máy phô-tô đang để ở bộ phận hành chính, đơn vị cũng phải đi thuê ở bên ngoài. Với cái máy trị giá mấy chục triệu đồng là quá khả năng để chúng tôi đầu tư trang bị”, ông Trọng chia sẻ.

Xử lý 20 vụ phá rừng trái pháp luật

Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết, đơn vị hiện đang quản lý hơn 11.000 ha rừng và đất rừng. Riêng diện tích đất có rừng chỉ còn hơn 3.200 ha, gồm hơn 2.770 ha rừng tự nhiên và 442,79 ha rừng trồng. Đối với gần 8.000 ha đất rừng nằm xen vườn rẫy của người dân, luôn là khó khăn, thách thức trong công tác quản lý bảo vệ.

Chỉ tính trong năm 2019, đơn vị đã phát hiện, xử lý 20 vụ phá rừng trái pháp luật, với diện tích thiệt hại hơn 6,3 ha rừng. Đất rừng và rừng nằm ở cả địa bàn Gia Nghĩa và Đắk Glong, nên đơn vị phải thành lập 3 trạm quản lý bảo vệ. Thế nhưng, tất cả đều tạm bợ.

Theo ông Trọng, mỗi năm, đơn vị được bố trí hơn một tỷ đồng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này chỉ đủ để trả lương cho số lao động hợp đồng. Tất cả các chi phí khác, đơn vị phải rất tiết kiệm. Ông Trọng phân tích: “Cả cơ quan được giao 11 biên chế. Tuy nhiên, với diện tích rừng, đất rừng nằm rải rác ở 17 tiểu khu, thuộc cả thành phố Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong, đơn vị phải hợp đồng thêm 13 người. Do điều kiện công tác khó khăn, trong khi mức lương thấp, nên để “giữ chân” được người lao động cũng không dễ. Từ năm 2017 đến nay, đơn vị đã có 4 người xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác”.

Được biết, những năm qua, BQL rừng phòng hộ Gia Nghĩa đã có nhiều đề xuất ngành chức năng đầu tư xây dựng 3 trạm quản lý bảo vệ rừng. Cũng theo ông Trọng, mãi đến đầu tháng 5/2020, đơn vị mới nhận được văn bản của ngành chức năng đồng ý cho xây dựng các trạm quản lý bảo vệ rừng. Thế nhưng, để được đầu tư thì phải đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025. “Như vậy, không biết đến khi nào anh em có trạm quản lý bảo vệ rừng. Cái đơn vị cần nhất là phải có cơ sở vật chất để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng. Bởi vì, tình trạng xâm lấn, phá hoại rừng ngày càng diễn ra phức tạp”, ông Trọng khẳng định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiếu thốn đủ bề, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa khó lòng giữ được rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO