Thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy: Công tác quản lý, bảo vệ rừng chuyển biến chưa căn bản, thiếu vững chắc

Hoàng Hoài| 07/05/2015 09:29

Theo đánh giá, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6/5/2013 của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo, thì mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, bảo vệ rừng, song nhìn chung kết quả đạt được chưa toàn diện, chuyển biến chưa căn bản, thiếu vững chắc.

ADQuảng cáo

Tình trạng phá rừng, khai thác, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép vẫn diễn ra nhiều nơi; nhiều điểm nóng về phá rừng kéo dài chưa được giải quyết triệt để.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song trước hết phải kể đến việc buông lỏng quản lý của các chủ rừng trong một thời gian dài. Cụ thể như các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp, hoặc hợp đồng liên doanh, liên kết, giao khoán theo Nghị định 135 của Chính phủ không hiệu quả, để xảy ra tình trạng phá rừng, xâm canh, lấn chiếm đất rừng trái phép với diện tích lớn diễn ra trong thời gian dài.

Các dự án đầu tư sản xuất nông-lâm nghiệp triển khai còn chậm; nhiều dự án không có năng lực triển khai, hoặc không triển khai, chưa thu hút được sự tham gia của người dân địa phương. Qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng đối với các đơn vị chủ rừng cho thấy, trong tổng số  41 dự án đầu tư sản xuất nông-lâm nghiệp, với 39 doanh nghiệp thuê 31.615,2 ha đất thì chỉ có 10 dự án có hiệu quả, còn 22 dự án kém hiệu quả, 9 dự án không hiệu quả.

Điều đáng nói là trong khi chỉ trồng được 5730,3 ha rừng, nhưng các dự án lại để bị chặt phá đến 4785,2 ha rừng. Với các dự án liên doanh, liên kết của 4 công ty lâm nghiệp: Quảng Tín, Nam Tây Nguyên, Gia Nghĩa và Trường Xuân thì hoạt động không hiệu quả. Trong tổng số 21 hợp đồng ký kết với diện tích 6153,3 ha thì sau khi rà soát đã tạm dừng, chấm dứt và thanh lý 14 hợp đồng với tổng diện tích 4387,5 ha. Trong khi đó, diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ đã bị phá lên đến 969,3 ha.

Một nguyên nhân quan trọng nữa dẫn đến tình trạng rừng vẫn bị phá nhiều đó chính là sự thiếu trách nhiệm của các cấp lãnh đạo chính quyền ở một số địa phương. Tại nhiều địa phương vẫn còn để xảy ra tình trạng tự ý mua bán, sang nhượng đất đai trái phép với nhiều hình thức tinh vi hay tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép nhưng không được xử lý. Chính vì thiếu tinh thần trách nhiệm đó mà ngay từ những tháng đầu năm 2015, diện tích rừng bị phá đã tăng rất nhiều.

ADQuảng cáo

Đơn cử như ở thị xã Gia Nghĩa, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2015, số vụ phá rừng đã tăng đột biến với 51 vụ, gây thiệt hại lên đến 101,83 ha. Trong khi đó, từ năm 2013-2014, toàn tỉnh chỉ trồng được 216,5 ha rừng trên diện tích rừng bị phá. Còn qua thống kê, từ năm 2010 đến nay, diện tích rừng bị mất trên địa bàn tỉnh lên đến 26.000 ha và diện tích đất rừng bị xâm canh, lấn chiếm là hơn 50.000 ha - một con số thật đau lòng.

Mặt khác, tình hình dân số, nhất là dân di cư tự do tăng nhanh, dẫn đến nhu cầu về đất ở và đất canh tác cao, nhưng việc quản lý đất đai, dân cư còn thiếu chặt chẽ, nên gây áp lực không nhỏ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo thống kê, phân loại các điểm dân cư xác định từ năm 2005 đến nay, tổng số dân di cư tự do chưa được sắp xếp ổn định là 4601 hộ với 21.619 khẩu.

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 14 dự án ổn định dân cư thành phần với tổng kinh phí trên 1048 tỷ đồng, mục tiêu là bố trí, sắp xếp cho 8.600 hộ dân. Thế nhưng, thực tế đến nay, toàn tỉnh chỉ mới bố trí, sắp xếp ổn định được 2.529 hộ với 13.267 khẩu (chỉ đạt 29,41% so với kế hoạch). Bên cạnh đó, việc giá cả một số mặt hàng nông - lâm sản tăng cao, nên người dân phá rừng, lấn chiếm đất để trồng các loại cây có giá trị cao, hoặc buôn bán, sang nhượng đất trái phép mà chưa ngăn chặn được.

Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo thể hiện tầm quan trọng trong việc lãnh đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, để công tác ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững đạt hiệu quả thì các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các chương trình, biện pháp cũng như khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Mỗi cán bộ, lãnh đạo cũng cần nghiêm túc kiểm điểm lại trách nhiệm của mình trong việc để mất rừng, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm những vụ vi phạm phá rừng. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chung tay, góp sức, hình thành phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy: Công tác quản lý, bảo vệ rừng chuyển biến chưa căn bản, thiếu vững chắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO