Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp: Yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý rừng, đất rừng

Hà An| 17/09/2014 09:38

Sau một thời gian chuyển đổi mô hình quản lý, điều mà chúng ta kỳ vọng về tính dẫn đầu trong ứng dụng công nghệ, khoa học, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng của các công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp xem ra vẫn chưa làm được. Điều này đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết là phải tiếp tục có những phương án sắp xếp, đổi mới thiết thực và phù hợp hơn.

ADQuảng cáo

Nhiều công ty đang trong tình trạng "chết lâm sàng"

Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh hiện có 16 doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, trong đó có 14 công ty lâm nghiệp và 2 công ty nông nghiệp. Các công ty đều đã chuyển đổi hình thức hoạt động từ nông, lâm trường quốc doanh sang công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp.

Cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng tuần ra bảo vệ rừng. Ảnh: Văn Tâm

Tuy nhiên, theo Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh thì đa phần sau chuyển đổi, bản chất trong hoạt động của các công ty này vẫn như trước đây, chưa có sự đột phá cần thiết trong quản lý điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, ngoài một vài doanh nghiệp đa dạng hóa được ngành nghề, sản xuất tương đối hiệu quả thì phần nhiều công ty lâm nghiệp trên địa bàn vẫn chủ yếu “sống” bằng nguồn thu từ chỉ tiêu khai thác rừng và nguồn kinh phí cấp từ ngân sách Nhà nước như trước khi chưa chuyển đổi.

Sự lệ thuộc này dẫn đến hàng loạt công ty lâm nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, không cân đối được thu, chi để duy trì hoạt động, nhất là từ năm 2013 đến nay, thời điểm Nhà nước có chủ trương "đóng cửa rừng”, không giao chỉ tiêu khai thác. Chỉ đơn cử, trong năm 2014, ngân sách tỉnh bố trí hơn 11 tỷ đồng phục vụ công tác lâm nghiệp, trong đó kinh phí hoạt động cho 3 ban quản lý rừng phòng hộ chiếm xấp xỉ một nửa, số còn lại phân bổ cho 14 công ty lâm nghiệp.

Trong khi đó, tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo vệ rừng tập trung và phòng chống cháy rừng của 14 công ty này trong năm là hơn 33 tỷ đồng. Không có chỉ tiêu khai thác, nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị không có nguồn thu từ dịch vụ chi trả môi trường rừng đành phải hoạt động theo dạng “cầm hơi”.

Thực tế cho thấy, mặc dù trên danh nghĩa thì đang hoạt động nhưng thực chất hiện nay nhiều công ty lâm nghiệp đang ở trong tình trạng “chết lâm sàng’", tức không có khả năng cân đối thu, chi, điều hành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao do thiếu kinh phí. Nhiều công ty lâm nghiệp rơi vào tình trạng nợ lương cán bộ, công nhân nhiều tháng liền mà không có khả năng cân đối, chi trả.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Wil (Chư Jút) thì đơn vị này đã phải nợ lương cán bộ, công nhân hơn 4 tháng nhưng không có nguồn để trả. Mới đây, công ty đành phải mượn tiền để thanh toán tiền lương cho người lao động nhưng khoản tiền này cũng chưa biết lấy nguồn nguồn nào để trả nếu không có sự can thiệp kịp thời từ phía Nhà nước.

Không chỉ nợ tiền lương cán bộ, công nhân mà một số đơn vị còn nợ cả tiền thuê đất của tỉnh nhiều năm liền chưa trả với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Nhất là từ năm 2013 đến nay, khi không có khoản thu từ chỉ tiêu khai thác rừng, các khoản nộp ngân sách Nhà nước của các công ty lâm nghiệp tỉnh chỉ được 14 tỷ đồng, phần lớn rơi vào số ít doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, bằng 39% so với năm 2012.

Đổi mới hình thức nhưng hoạt động chưa hiệu quả

Theo Sở Tài chính, trong số 16 công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp trên địa bàn, sau chuyển đổi, chỉ có 3 doanh nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 6 doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ và 7 doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ.

ADQuảng cáo

Không hoàn thành nhiệm vụ ở đây bao gồm cả những nhiệm vụ chính như việc các đơn vị để mất rừng, đất rừng với diện tích lớn; để xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai thuộc lâm phần quản lý và có một số sai phạm trong quản lý, tổ chức bảo vệ, phát triển  rừng.

Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động đến nay, xét về mục tiêu, việc đổi mới mô hình hoạt động từ lâm trường quốc doanh sang công ty lâm nghiệp quốc doanh theo chủ trương xem ra không đạt. Mục tiêu đổi mới hình thức hoạt động, nâng cao đời sống cho cán bộ, công nhân viên không được cải thiện, công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng cũng còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã để mất khoảng 50.000 ha rừng, đất rừng. Ngoài việc hàng năm, các công ty còn để xảy ra tình trạng mất rừng mà không đưa ra được giải pháp khắc phục hiệu quả thì hiện đang còn một diện tích đất rừng thuộc phạm vi quản lý của các đơn vị đã bị người dân lấn chiếm, canh tác chưa có phương án thu hồi, xử lý.

Chưa kể đến một số nội dung như xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất cũng diễn ra rất chậm so với lộ trình kế hoạch. Nguyên nhân của thực trạng trên được các công ty lâm nghiệp đưa ra là do không đủ kinh phí để bố trí nhân lực làm công tác quản lý, bảo vệ cũng như trách nhiệm quản lý của chính quyền và doanh nghiệp chưa được làm rõ.

Tuy nhiên, theo đánh giá thì nguyên nhân cơ bản vẫn là do phần lớn các công ty sau khi chuyển đổi vẫn chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp; lúng túng khi chuyển sang hạch toán kinh doanh theo luật Doanh nghiệp dẫn đến thiếu tính cạnh tranh, hiệu suất hoạt động thấp.

Mặt khác, một số doanh nghiệp chỉ mới chú trọng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh mà thiếu sự quan tâm đến công tác quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến mất rừng và sai phạm trong công tác khoán trồng rừng, giao đất, giao rừng…

Phải đổi mới thực chất

Để tiếp tục đổi mới căn bản cơ chế quản lý, quản trị công ty, quản lý chặt chẽ đất đai, tài nguyên rừng, vấn đề không chỉ dừng lại ở việc tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động để giải quyết bài toán về kinh phí mà các đơn vị phải đổi mới căn bản nội dung, cách thức, phương pháp điều hành, quản lý theo hướng thực chất, hiệu quả.

Theo tinh thần Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Quyết định số 686/QĐ-TTg, ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp thì đa phần các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nằm trong diện sẽ được sắp xếp, chuyển đổi theo mô hình công ty lâm nghiệp công ích 100% vốn Nhà nước hoặc chuyển sang ban quản lý rừng. Một vài đơn vị đủ điều kiện sẽ chuyển đổi thành công ty lâm nghiệp TNHH hai thành viên.

Đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất hoặc rừng phòng hộ, rừng đặc dụng xen kẽ thì sẽ tiếp tục duy trì, cũng cố và phát triển công ty lâm nghiệp 100% vốn Nhà nước, nhưng phải được cấp chứng chỉ rừng quốc tế. Phương án sắp xếp, đổi mới phải làm rõ nội dung quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và rừng theo hướng đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể quản lý, sử dụng hiệu quả.

Các công ty phải tiếp tục duy trì và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, thâm canh gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Đối với các công ty chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty lâm nghiệp có 100% vốn Nhà nước phải tạo được sự chuyển biến căn bản về phương thức tổ chức quản lý và quản trị doanh nghiệp; sản xuất lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến và thị trường theo chuỗi giá trị và khẳng định vai trò như những trung tâm liên kết sản xuất trên từng lĩnh vực quản lý…

Rõ ràng, việc tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn đang là yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết hiện nay nhằm tìm ra hướng đi  phù hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đất rừng. Tuy nhiên, hiệu quả từ việc chuyển đổi này đến đâu lại đang phụ thuộc nhiều vào quyết tâm, tính tiên phong và sự sáng tạo của chính các công ty lâm nghiệm hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp: Yêu cầu cấp thiết để nâng cao hiệu quả quản lý rừng, đất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO