Tìm giải pháp để nâng độ che phủ rừng

Đức Hùng| 09/01/2017 10:31

Việc trồng lại rừng trên diện tích đất rừng bị lấn chiếm đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành chức năng, vì nhiều diện tích người dân tự chuyển đổi sang trồng cà phê, tiêu, sắn.

ADQuảng cáo

Đất rừng bị lấn chiếm để trồng sắn

Số liệu thống kê, trong 10 năm (2005 – 2015), trong 130.828 ha diện tích rừng tự nhiên bị mất thì có 90.486 ha do người dân tự chuyển sang trồng cà phê, tiêu, sắn..., chiếm 25% diện tích rừng tự nhiên năm 2005.

Theo kết quả rà soát năm 2016, tổng diện tích đất lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây nông nghiệp là 30.276 ha. Để thực hiện việc trồng rừng, ngành chức năng, đơn vị được giao trồng rừng cần thời gian để rà soát, thỏa thuận vận động người dân tham gia trồng rừng, xây dựng mô hình nông lâm kết hợp.

Kết quả trồng rừng thay thế năm 2016, diện tích toàn tỉnh trồng được 1.887ha/2.674ha, đạt 70,5% kế hoạch. Huyện Krông Nô được giao trồng 750 ha, kết thúc "mùa" trồng rừng năm nay các đơn vị chỉ trồng được 275 ha. Đơn vị trồng được ít diện tích nhất là huyện Tuy Đức, trong năm 2016, huyện Tuy Đức được giao trồng 1.000 ha diện tích rừng thay thế, các đơn vị trồng rừng chỉ thực hiện trồng được 200 ha.

Ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Tuy Đức cho biết: “Nguyên nhân được các đơn vị trồng rừng trao đổi là do đất bị người dân lấn chiếm trồng các loại cây trồng và không hợp tác với ngành chức năng thực hiện việc trồng rừng. Tuy Đức phát triển rừng kém, ngành chức năng đang “chịu thua” trước đất rừng bị xâm canh”.

Để nâng tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2020 lên 42% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2015 - 2020, tổng diện tích đất có rừng phải đạt 273.656 ha, tăng khoảng 18.700 ha so với năm 2015. Giải pháp cụ thể được ngành chức năng đưa ra, tăng cường hơn nữa công tác quản lý bảo vệ rừng và công tác PCCCR, bảo đảm không để mất thêm diện tích rừng hiện có 254.956 ha.

ADQuảng cáo

Tiếp tục chăm sóc diện tích rừng trồng từ năm 2013 - 2016 là 7.300 ha để diện tích này đến năm 2020 cơ bản thành rừng và đáp ứng đủ tiêu chí của độ che phủ. Trồng mới thêm khoảng 8.200 ha trong giai đoạn 2017 - 2020 trong đó trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 200 ha, rừng sản xuất: 5.800 ha, trồng rừng thay thế: 2.200 ha, trồng cây phân tán: khoảng 500.000 cây/năm.

Tổ chức khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng khoảng 3.200 ha. Ngoài ra, đối với diện tích 30.276 ha đất bị người dân xâm canh, Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương thức nông lâm kết hợp trồng xen cây rừng với cây cà phê, tiêu, hoa màu với mật độ trồng 185 cây/ha được khoảng 5.700 ha diện tích quy đông đặc.

Hiện nay, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh đang xây dựng, lấy ý kiến các ngành chức năng về Đề án giao rừng, cho thuê rừng tại tỉnh Đắk Nông. Theo đó, tổ chức thực hiện việc giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất đối với 43.655 ha rừng và đất lâm nghiệp hiện do UBND cấp xã quản lý và diện tích giao trả về địa phương của các Công ty lâm nghiệp giải thể.

Thu hồi, giao cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư thôn, buôn, bon là người địa phương có nguyện vọng và nhu cầu nhận đất, nhận rừng trên các diện tích do các doanh nghiệp quản lý, sản xuất kém hiệu quả.

Đối với đất trống và đất cá nhân, hộ gia đình được giao đất xâm canh không có rừng, đang trồng cây hoa màu ngắn ngày: Sau khi thu hoạch hoa màu, phải tiến hành trồng rừng diện tích tối thiểu bằng 70% diện tích được giao, được thuê trong mùa vụ trồng rừng liền kề. Đối với đất đã trồng cây công nghiệp như cà phê, tiêu, cao su trồng trước thời điểm được giao, được thuê, phải trồng xen cây lâm nghiệp với mật độ tối thiểu 200 cây/ha và phân bố tương đối đồng đều.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: "Đối với diện tích rừng bị phá trái pháp luật từ năm 2015 đến nay ngành chức năng đã đưa ra các giải pháp để trồng lại rừng. Trước mắt, thực hiện rà soát, thống kê, lập hồ  sơ, xây dựng các phương án, kế hoạch thực hiện cưỡng chế giải tỏa bảo đảm chặt chẽ, diện tích đất sau cưỡng chế giao lại cho đơn vị chủ rừng trồng rừng, phục hồi lại rừng. Riêng đối với diện tích rừng mới phát sinh, cưỡng chế ngăn chặn, nhổ bỏ cây trồng. Về lâu dài, tiếp tục kiểm tra, rà soát đối với diện tích 30.276 ha đất xâm canh để phân loại, thống kê cụ thể về vị trí, diện tích, hiện trạng sử dụng đất diện tích các loại cây trồng, vật kiến trúc hiện có trên đất... để đề xuất các giải pháp thích hợp như trồng rừng tập trung, phát triển nông lâm kết hợp".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp để nâng độ che phủ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO