Vụ hàng chục ha rừng ở Quảng Sơn bị tàn phá: Chủ rừng thiếu phối hợp với địa phương

Ngàn Sâu| 28/02/2018 15:27

Trao đối với phóng viên Báo Đắk Nông về vụ việc hàng chục ha rừng bị tàn phá tại tiểu khu 1680 (thuộc lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn), ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, tỏ ra rất bức xúc.

ADQuảng cáo

Theo ông Hiếu, việc để một diện tích rừng lớn như vậy bị tàn phá là điều nghiêm trọng, dư luận rất bất bình. Với tư cách lãnh đạo chính quyền địa phương, ông Hiếu thừa nhận phải cùng chịu trách nhiệm trong vụ việc này.

Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Đỗ Ngọc Hiếu

Ông Hiếu cho rằng, việc phá rừng diễn ra dài ngày, có thiết bị cơ giới và gần với trạm quản lý bảo vệ rừng cho thấy có sự buông lỏng cho đối tượng vi phạm. "Nếu mà chốt ở đó (chốt bảo vệ rừng - P.V) chỉ cần cưa một cái là người ta biết liền. Làm gì có chuyện cưa, múc cây, rồi cây đổ đến cỡ đó mà không có động tĩnh gì !? ", ông Hiếu phân tích.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho biết, Công ty rất chậm trễ trong việc báo cáo với chính quyền địa phương về vụ việc. Cụ thể, vụ phá rừng được lực lượng kiểm lâm phát hiện vào ngày 6/2/2018 và thông báo với Công ty. Thế nhưng, phải gần một tuần sau, tức là vào ngày 12/2/2018, UBND xã Quảng Sơn mới nhận được báo cáo của Công ty. Còn trước đó, lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn không hề nhận được bất kỳ một thông báo nào từ Công ty về vụ việc, kể cả qua điện thoại. Điều đáng nói là, mặc dù có trụ sở nằm liền kề với trụ sở UBND xã Quảng Sơn, nhưng Công ty lại gửi báo cáo vụ việc qua đường bưu điện.

Không chỉ vụ việc này, ông Hiếu còn khẳng định, trong thời gian qua, Công ty hầu như không có sự phối hợp nào với chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Ông Hiếu bức xúc: "Cái lâm trường (Công ty - P.V) này không phối hợp gì với chính quyền địa phương. Huyện mời họp các đơn vị chủ rừng, các chủ tịch xã triển khai công tác phòng chống phá rừng trước, trong và sau Tết thì lâm trường này là một trong những đơn vị không đi. Tôi cũng đã báo cáo với lãnh đạo huyện là xã mời tổng kết, giao ban họ cũng không đi".

ADQuảng cáo

Một khoảnh rừng đã bị tàn phá

Tại tiểu khu 1680, có một số diện tích rừng được Công ty giao cho cộng đồng bon N'Ró, xã Quảng Sơn, quản lý. Theo một số người dân nhận bảo vệ rừng, thời gian qua, Công ty hầu như không phối hợp với cộng đồng bon N'Ró để thực hiện việc tuần tra, bảo vệ rừng. Ông Đỗ Ngọc Hiếu xác nhận: "Cộng đồng bon N'Ró họ có nói là thời gian trước đơn vị chủ rừng còn phối hợp với cộng đồng để tuần tra, nhưng thời gian gần đây thì bỏ luôn".

Theo quy định hiện hành, các đơn vị chủ rừng đều phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và liên tục với chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Chủ rừng cũng là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tiên về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, nếu đúng như phản ánh của ông Hiếu và người dân bon N'Ró thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.

Như đã phản ánh, trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất, đã xảy ra vụ phá rừng tại tiểu khu 1680, với diện tích khoảng 20ha. Vụ phá rừng này chỉ cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn khoảng hơn 1 km và diễn ra dài ngày, đông người tham gia, có phương tiện cơ giới. Đến nay, Công an huyện Đắk Glong đã vào cuộc điều tra và bắt giữ 5 đối tượng có liên quan đến vụ việc. Trong số này, có ông Phan Thành Nghĩa (SN 1966), trú thôn 1C, xã Quảng Sơn (Đắk Glong), được xác định là người đứng ra tổ chức, thuê khoảng 14 người để thực hiện việc phá rừng.

Phóng viên Báo Đắk Nông có thông tin, trong vụ việc này, ông Phan Thành Nghĩa phải chung chi 150 triệu đồng cho 1 ha rừng sau khi đã phá. Để có tiền chung chi, ông Nghĩa phải huy động một số người khác cùng "góp vốn". Tuy nhiên, thông tin này phải chờ kết luận của cơ quan công an mới có thể khẳng định được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vụ hàng chục ha rừng ở Quảng Sơn bị tàn phá: Chủ rừng thiếu phối hợp với địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO