Dự thảo Luật Biên phòng thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia

Phan Tân thực hiện| 06/11/2020 09:13

Luật Biên phòng Việt Nam đang được Quốc hội thảo luận, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri trong và ngoài tỉnh. Nhân dịp này, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Lư, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Đắk Nông về những vấn đề liên quan.

ADQuảng cáo

Đại tá Nguyễn Văn Lư, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh

PV: Thời gian qua, BĐBP tỉnh đã thể hiện vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia như thế nào, thưa Đại tá?

Đại tá Nguyễn Văn Lư: Đắk Nông có đường biên giới dài khoảng 141 km tiếp giáp với Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh luôn là “lá chắn thép” nơi phên giậu của Tổ quốc. Trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, những người lính biên phòng luôn nắm chắc, xử lý mọi tình hình, vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới, cửa khẩu một cách thấu đáo, thuận lòng dân và theo đúng pháp luật.

BĐBP tỉnh bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu qua biên giới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh. Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị định thư phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, BĐBP tỉnh đã cùng với các lực lượng xây dựng hoàn thành 8 vị trí với 16 cột mốc chính, 89 vị trí với 168 cột mốc phụ, 11 cọc dấu; xác định được 48 tâm cồn bãi trên sông, suối, 9 điểm đặc trưng và đã phân giới được 117.066m đường biên giới.

Bên cạnh đó, BĐBP tỉnh còn chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Đến nay, trên khu vực biên giới tỉnh đã thành lập và duy trì 81 tổ/1.395 thành viên, 9 tập thể/608 thành viên đăng ký tự quản an ninh trật tự thôn, buôn, bon, bản; xây dựng được 33 tổ/438 hộ/1.444 thành viên đăng ký tự quản 87 km đường biên/31 mốc quốc giới...

PV: Hiện nay, đang có rất nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam. Đại tá đánh giá như thế nào về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam?

Đại tá Nguyễn Văn Lư: Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam gồm có 6 chương, 36 điều; trong đó, xác định rõ nhiệm vụ biên phòng, luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP, chuẩn hóa, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Đồng thời, dự thảo luật đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia; trong đó, có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành.

Dự thảo luật khi ban hành sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX thông qua ngày 28/3/1997 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới và nâng cao hiệu quả hoạt động của BĐBP, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

ADQuảng cáo

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số quy định về chức năng, nhiệm vụ của BĐBP chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, chưa tạo hành lang pháp lý để BĐBP xây dựng, quản lý và bảo vệ khu vực biên giới trên bộ, vùng biển đảo và cửa khẩu trong tình hình mới... Vì vậy, việc ban hành luật với những quy định cụ thể phân định rõ vai trò, chức năng và nhiệm vụ của BĐBP với các lực lượng khác như công an, hải quan, cảnh sát biển... là vô cùng cần thiết.

PV: Đại tá có ý kiến gì về quy định những chức năng quan trọng của BĐBP là “chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”?

Đại tá Nguyễn Văn Lư: Quy định chức năng của BĐBP nêu trong dự thảo luật là xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Đây không phải là vấn đề mới mà là thể chế hóa nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kế thừa các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, đặc thù riêng khác với an ninh nội địa. Quy định vị trí, chức năng của lực lượng BĐBP chỉ trong phạm vi biên giới, cửa khẩu theo quy định, hoàn toàn không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác.

Quy định về chức năng “chủ trì” là phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời, thực tiễn từ trước tới nay, lực lượng BĐBP luôn làm tốt công tác bảo đảm an ninh trật tự, an ninh quốc gia tại khu vực biên giới.

Mặt khác, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về nhiệm vụ biên phòng, xây dựng BĐBP vững mạnh. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã quy định xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân, rộng khắp, Nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang là nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách.

Ngoài ra Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng đều quy định Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng biển, vùng trời theo quy định của pháp luật.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định, quy định BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là phù hợp.

Tới đây, khi Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua, BĐBP tỉnh sẽ chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quán triệt, triển khai các nội dung của luật đến toàn thể các cấp, ngành, địa phương và người dân, từ đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, không ngừng khẳng định vai trò nòng cốt của BĐBP trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Biên phòng thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO