Bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc làm “bất di bất dịch”

Mỹ Hằng thực hiện| 22/09/2016 10:31

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng có gần 10 năm tìm tòi, nghiên cứu các tư liệu quý về Hoàng Sa - Trường Sa. Nhân Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” tại tỉnh Đắk Nông, phóng viên Báo Đắk Nông đã có buổi trao đổi với TS Trần Đức Anh Sơn xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Đông đảo nhân dân đến xem triển lãm Những dấu tích Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hằng

PV: Thưa ông, được biết ông là một trong những học giả có các tư liệu và nghiên cứu có giá trị về Hoàng Sa - Trường Sa. Vậy ông có thể chia sẻ về quá trình sưu tầm và nghiên cứu chủ đề này?

TS Trần Đức Anh Sơn: Phần lớn những bản đồ và tư liệu trưng bày tại Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được chúng tôi sưu tầm từ giai đoạn 2009 - 2015. Các tư liệu này được thực hiện trong đề tài nghiên cứu khoa học “Fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - Thành phố Đà Nẵng”. Năm 2012, đề tài này được nghiệm thu. Sau đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng phạm vi nghiên cứu, tìm kiếm trên 10 huyện đảo và đã xây dựng được fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, tôi và các cộng sự sưu tầm trong nước, ngoài nước cũng như trên mạng internet. Quá trình này kéo dài gần 10 năm và đi qua 11 nước. Tháng 1/2013, lần đầu tiên TP Đà Nẵng đã mở cuộc triển lãm “Những bằng chứng lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, từ tất cả các tài liệu của tôi và các cộng sự sưu tầm. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên trên toàn quốc và có hiệu ứng xã hội tốt. Vì vậy, Bộ TT-TT đã quyết định sử dụng phần lớn các tư liệu mà chúng tôi cung cấp cho các buổi triển lãm sau này. Mỗi khi có nguồn tài liệu nào mới thì tôi đều gửi về bổ sung vào Triển lãm.

PV: Việc tiếp cận các nguồn tư liệu này có gặp khó khăn gì không thưa ông?

TS Trần Đức Anh Sơn: Thực tế là tiếp cận các nguồn tư liệu quốc tế lại dễ dàng hơn so với trong nước, vì phần lớn các tài liệu ở nước ngoài đều được quản lý bằng mạng internet. Nhiều tư liệu đã được số hóa và lập thư mục đầy đủ nên rất thuận tiện trong việc tiếp cận cũng như khai thác. Mỗi khi có nhu cầu tìm hiểu thì họ luôn hỗ trợ để độc giả tiếp cận một cách nhanh, hiệu quả nhất. Các thư viện, văn khố ở các nước: Hoa Kỳ, Bồ Đào Nha, Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nhật... đã hỗ trợ rất nhiệt tình giúp chúng tôi tiếp cận dễ dàng với các tư liệu. Đặc biệt, trong quá trình đi qua 7 quốc gia để làm cố vấn cho bộ phim “Biển đảo Việt Nam nguồn cội từ bao đời” của Đài Truyền hình  thành phố Hồ Chí Minh, ngoài những lúc làm chương trình thì tôi còn có điều kiện đi sâu tìm hiểu các vấn đề liên quan đến biển đảo. Trong khi đó, việc tìm kiếm tư liệu trong nước thì lại gặp nhiều khó khăn do hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác tra cứu còn hạn chế. Thậm chí đôi lúc việc tiếp cận, khai thác tài liệu quá rườm rà.

ADQuảng cáo

PV: Các thư tịch cổ và bản đồ cổ nước ngoài có giá trị như thế nào đối với việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thưa ông?

TS Trần Đức Anh Sơn: Khi thực hiện Đề tài “Fond tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP Đà Nẵng”, tôi và 7 thành viên cùng tham gia đã tìm kiếm, sưu tầm những tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, xây dựng thành bốn thư mục: tư liệu văn bản, tư liệu hình ảnh, tư liệu bản đồ và tư liệu nghe nhìn; trong đó, có 56 bản đồ do người phương Tây vẽ và xuất bản vào các thế kỷ 16 - 19. Những bản đồ này được các nhà hàng hải, nhà truyền giáo, nhà buôn… phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến địa lý, giao thương, truyền giáo… ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trên những tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa được thể hiện bằng hình vẽ ở trong vùng Biển Đông của nước ta, với kinh tuyến và vĩ tuyến khá chính xác và được ghi danh là Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels, Paracelso… tuỳ theo ngôn ngữ mỗi nước. Trên một số bản đồ, địa danh Hoàng Sa còn được thể hiện hoặc ghi chú rất đặc biệt. Chẳng hạn: bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam; bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 thì quần đảo Pracel được vẽ nối liền với các đảo Pulo Secca de Mare (đảo Phú Quý), Pulo Cambir (cù lao Xanh), Pullo Canton (cù lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong)… Đặc biệt, trên tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ do giám mục Jean Louis Taberd vẽ năm 1838 có ghi dòng chữ “Paracel seu Cát Vàng” (Paracel hoặc Cát Vàng). Trên nhiều tấm bản đồ khác, vùng bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, song song với quần đảo Hoàng Sa thì được ghi là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa). Những tấm bản đồ này khẳng định việc người Việt khai phá, chinh phục và xác lập chủ quyền với Hoàng Sa (và Trường Sa) đã mặc nhiên thừa nhận bởi các nhà hàng hải, các nhà phát kiến địa lý và thương gia phương Tây khi họ đến đây thám sát, đo vẽ và thực hiện các bản đồ này.

PV: Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông có thể cho biết quan điểm của mình đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay?

TS Trần Đức Anh Sơn: Vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc làm “bất di bất dịch” được Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ cho tới giai đoạn hiện nay khẳng định và bảo vệ. Và mỗi người Việt Nam luôn có ý thức, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ lãnh thổ của mình. Thời gian qua tình hình Biển Đông có những diễn biến rất phức tạp, liên quan đến nhiều nước, nhiều bên và liên quan đến chiến lược mới của các cường quốc trên thế giới. Tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều phương pháp để bảo vệ chủ quyền này; trong đó hiện nay Đảng, Nhà nước ta đang đẩy mạnh “ngoại giao và hòa bình” để bảo vệ chủ quyền biển đảo là biện pháp khôn khéo, mềm dẻo. Chúng ta hành động vừa mềm mỏng nhưng vừa quyết liệt cũng như trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc làm “bất di bất dịch”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO