Công tác rà phá bom mìn: Còn đó những nỗi lo

Phạm Khánh| 17/06/2016 10:28

Qua khảo sát thì trên địa bàn tỉnh, diện tích bị ô nhiễm bom, mìn, đạn các loại, vật liệu nổ là hơn 10.000 ha. Trong những năm qua, các đơn vị chức năng đã cố gắng, nỗ lực rà phá, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Diện tích làm sạch đất chỉ đạt 3,7%.

ADQuảng cáo

Công tác tiêu hủy bom, mìn gặp khó vì nguồn kinh phí hạn hẹp

Năm 2013, xảy ra vụ nổ đầu đạn M 79 tại khu vực núi lửa thuộc địa bàn xã Thuận An (Đắk Mil) làm 3 học sinh chết và 3 học sinh bị thương nặng. Tiếp đó, năm 2015, em Đặng Tòn Nhảy ở thôn 1, xã Đắk Môl (Đắk Song) nhặt được kíp nổ, đem ra chơi đùa, kíp phát nổ làm Nhảy bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.

Tháng 8/2015, 4 công nhân của Công ty Cổ phần Vinamacca cũng bị thương nặng do va chạm phải đầu đạn M79 còn sót lại trong chiến tranh. Tính từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 18 vụ nổ bom mìn, làm 20 người chết và bị thương.

ADQuảng cáo

Chị Phạm Thị Hòa ở xã Đắk D’rồ (Krông Nô) cho biết: “Thỉnh thoảng trong khi cuốc, vun đất cho cây bắp, đào hố trồng cà phê, người dân chúng tôi vẫn nhặt được những quả đạn bị sét rỉ, không còn nguyên vẹn. Nhiều người không biết, nghĩ đó là sắt nên nhặt, gom để bán ve chai. Còn những người nghi ngờ là đạn, chỉ biết vứt ra khỏi mảnh ruộng của mình chứ chưa ý thức báo cho cơ quan chức năng. Tôi rất lo lắng, không may nhát cuốc vô tình chạm phải đầu đạn gây nổ thì không thiệt mạng cũng tàn tật suốt đời".

Ông Nguyễn Văn Sinh, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) cũng cho biết: “Mỗi lần cầm cuốc, xẻng đào hố cà phê, hay trồng rau phục vụ sinh hoạt gia đình, tâm lý của người dân như tôi rất lo, vì sợ đụng phải bom mìn. Tại địa bàn này, người dân trong khi làm đất, vẫn phát hiện đầu đạn các loại, còn mảnh đạn thì khá nhiều. Sợ nhất là những quả bom trọng lượng lớn, có sức công phá mạnh vẫn đâu đó nằm trong lòng đất, một khi vô tình va chạm, phát nổ thì nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhiều gia đình. Điều mong mỏi nhất của người dân là cơ quan chức năng cần sớm rà phá bom, mìn, làm sạch đất để người dân yên tâm sản xuất”.

Trung tá Lê Đức Chính, Chủ nhiệm Ban công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho hay: “Những địa phương có mật độ bom, mìn còn sót lại trong lòng đất khá dày đặc đó là các xã Đắk Búk So, Quảng Trực (Tuy Đức), Khu sân bay Nhân Cơ (Đắk R’lấp), Thuận An (Đắk Mil)… Bởi, đây là những nơi trước đây xảy ra chiến tranh tương đối khốc liệt. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị chỉ mới rà phá, làm sạch được 370 ha, so với diện tích bị nhiễm, thì diện tích đã được rà, phá là rất nhỏ. Những diện tích được làm sạch, chủ yếu là để xây dựng các công trình như: trụ sở làm việc, cầu cống, đường sá, còn diện tích đất canh tác của người dân thì không đáng kể”.

Theo Trung tá Chính thì nguyên nhân dẫn đến việc rà phá bom, mìn, vật liệu nổ các loại thấp là do nguồn kinh phí quá hạn hẹp, đơn vị không thể triển khai công việc như mong muốn. Theo quy định, kinh phí để tiêu hủy bom mìn, vật liệu nổ lấy từ nguồn ngân sách của địa phương, nơi phát hiện bom mìn. Tuy nhiên, từ trước tới nay, ngoài hỗ trợ về con người, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn phải hỗ trợ phương tiện, thuốc nổ mới thực hiện được, nếu chờ vào nguồn kinh phí của các huyện, thị thì rất khó khăn. Để hạn chế tai nạn về bom, mìn gây ra, trước mắt đơn vị sẽ phối hợp với các huyện thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân. Từ đó, người dân ý thức được cách phòng tránh, kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý các loại vật liệu nổ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác rà phá bom mìn: Còn đó những nỗi lo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO