Giúp bộ đội hiểu pháp luật, vững tư tưởng

Phan Tân| 30/11/2017 09:24

Được thành lập từ năm 2012, mô hình Tổ “Tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” ở Đại đội Bộ binh 3 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tuy Đức) đã góp phần chia sẻ, động viên, giúp cán bộ, chiến sĩ (CBCS) hiểu pháp luật, vững tư tưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ,

ADQuảng cáo

Thành viên Tổ “Tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân” ở Đại đội Bộ binh 3 thường xuyên gần gũi động viên, chia sẻ, giải thích cho bộ đội những khúc mắc trong cuộc sống

Sâu sát từng hoàn cảnh

Thời gian đầu mới về đơn vị, trung sĩ Lý Tiến Nhoàn có dấu hiệu chán nản, lo lắng, thường xuyên khóc thầm, mỗi khi được giao nhiệm vụ thì thường thiếu tập trung và không hoàn thành… Nhận thấy nhiều điều bất thường, cán bộ Tổ tư vấn đã tìm gặp, động viên thì được biết trước khi nhập ngũ, Nhoàn đã có vợ con, lại eo hẹp về kinh tế, nên anh luôn trong tình trạng lo âu, chán nản. Qua tìm hiểu, Tổ tư vấn giúp anh hiểu hơn về luật Nghĩa vụ quân sự, quyền công dân cũng như hướng dẫn cách động viên người vợ trẻ ở quê nhà.

Được tư vấn, giúp đỡ tận tình của cấp trên, anh Nhoàn bắt đầu hòa nhập với đồng đội và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tranh thủ ngày cuối tuần, anh được đơn vị tạo điều kiện gọi điện động viên, thăm hỏi sức khỏe vợ con, gia đình. Mỗi tháng nhận phụ cấp, anh lại dành dụm một khoản gửi về nhà, phụ giúp vợ mua thêm sữa, quần áo cho con. Từ ngày gỡ được “mối tơ lòng”, anh gương mẫu hơn trong học tập, rèn luyện. Ngoài ra, rút kinh nghiệm từ bản thân, anh thường động viên một số chiến sĩ gặp rắc rối trong chuyện tình cảm, gia đình.

Tương tự, chuyện của binh nhất Lê Anh Hoài cũng được Tổ tư vấn “bắt đúng bệnh”. Theo đó, sau khi nhập ngũ nghe tin bạn gái ở ngoài chia tay, đi lấy chồng nên Hoài có dấu hiệu chán nản, sống bó hẹp, ít tham gia các hoạt động giải trí của đơn vị, thậm chí còn “tạo cớ” để vi phạm kỷ luật đơn vị… Trước tình huống đó, Tổ tư vấn đã cử người thường xuyên gần gũi động viên, chia sẻ, giải thích cho Hoài hiểu, dù khó khăn thế nào cũng phải vượt qua, hoàn thành chức trách nhiệm vụ của người quân nhân.

Binh nhất Lê Anh Hoài tâm sự: “Vào môi trường quân ngũ, mọi thứ đều mới mẻ, lại bị “cú sốc” về tình cảm nên thời gian đầu tôi lo lắng, chán nản, mất tập trung trong công việc. Nhờ sự quan tâm, động viên của cán bộ Tổ tư vấn, giờ tôi đã hiểu ra, yên tâm tư tưởng, hòa nhập cùng đồng đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

ADQuảng cáo

Bên cạnh những trường hợp khúc mắc về chuyện gia đình, chuyện tình cảm, cũng có một số chiến sĩ tìm đến Tổ tư vấn để bày tỏ nguyện vọng được phục vụ lâu dài trong quân đội, hay mong giải đáp thắc mắc việc dự thi vào các trường trong quân đội, học nghề sau xuất ngũ… Một số trường hợp chiến sĩ gần đến ngày xuất ngũ có biểu hiện không chấp hành tốt kỷ luật, Tổ tư vấn lại đến gặp gỡ riêng để nhắc nhở, hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, dự định sau khi ra quân, động viên cố gắng phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương.

Người bạn chân thành

Trước đây, quá trình quản lý tư tưởng của bộ đội, đơn vị thường làm theo cách truyền thống. Khi phát hiện CBCS có dấu hiệu bất thường về tư tưởng, chỉ huy đơn vị mới chủ động gặp gỡ, trao đổi động viên. Cách làm trên chưa tạo ra môi trường cởi mở để CBCS chủ động bày tỏ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng với lãnh đạo, chỉ huy. Vì thế có thời điểm, đơn vị còn để xảy ra một số vụ việc quân nhân vi phạm kỷ luật phải xử lý.

Nhằm khắc phục tình trạng trên, Tổ "Tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" của Đại đội Bộ binh 3 được thành lập, với thành viên là những người có uy tín, nắm cơ bản về tâm lý quân nhân, phương pháp quản lý, giải quyết, dự báo tư tưởng, biết nghiên cứu, phổ biến các chế độ, chính sách, nhất là gần gũi với mọi người.

Tổ tư vấn hoạt động với nguyên tắc “3 không” (không dò xét, không mệnh lệnh, không định kiến) và phải có phương pháp làm việc gần gũi, vào vai như một bác sĩ tâm lý thực thụ, lấy tư vấn làm chính. Đồng thời, mỗi thành viên phải thường xuyên rèn luyện nâng cao phẩm chất năng lực, đạo đức, lối sống, là tấm gương sáng để chiến sĩ tin tưởng, gửi gắm những tâm tư, tình cảm cá nhân. CBCS có thể trực tiếp gặp gỡ từng thành viên để được tư vấn, trao đổi trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, hoặc thông qua hòm thư góp ý.

Thượng úy Hoàng Công Út, Chính trị viên Đại đội Bộ binh 3 cho biết: “Tùy vào nội dung, trường hợp, Tổ tư vấn xác định hình thức tư vấn theo nhóm hoặc từng cá nhân. Với những vấn đề cần định hướng chung, Tổ tư vấn tham mưu lãnh đạo, chỉ huy đối thoại dân chủ, tạo điều kiện cho bộ đội bộc bạch tâm tư, nguyện vọng của mình. Đồng thời, Tổ tư vấn thường xuyên liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con ở các thôn, xóm gần đơn vị để nắm tình hình mối quan hệ của CBCS với nhân dân…, qua đó có biện pháp tiếp cận phù hợp, kịp thời giáo dục, thuyết phục”.

Từ hiệu quả mang lại, Tổ "Tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân" đã trở thành người bạn chân thành để CBCS chia sẻ những tâm tư tình cảm hoặc phản ánh những vấn đề cần giải quyết mỗi khi gặp chuyện vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống, công việc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp bộ đội hiểu pháp luật, vững tư tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO