Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc

T.B (t.h)| 24/03/2016 14:05

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

ADQuảng cáo

Tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Phan Tân

Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII nêu rõ: Một trong những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ công tác vừa qua là công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Kiên định trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia dân tộc; tích cực vận động và được cộng đồng quốc tế ủng hộ lập trường chính nghĩa của ta về vấn đề Biển Đông. Giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982. Kiên trì cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC). Xây dựng và quản lý biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển với các nước láng giềng.

Nội dung liên quan đến Biển Đông được đề cập toàn diện trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày ngày 22/3, từ phát triển kinh tế biển, bảo đảm an sinh đến tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Cụ thể, trong phát triển kinh tế-xã hội, tập trung triển khai thực hiện Chiến lược Biển; phát triển y tế biển đảo. Đồng thời, gắn kết quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đường biên giới, thực hiện tăng dày, tôn tạo và phân giới cắm mốc; chú trọng xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn các hoạt động dầu khí, bảo vệ ngư dân và tham gia cứu hộ, cứu nạn; tập trung đầu tư các cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; chăm lo nâng cao đời sống của người dân trên các đảo...

ADQuảng cáo

Trong nhiệm kỳ 2011-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ.

Chủ động cùng các nước thành viên ASEAN tạo đồng thuận, yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982 và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC.

Đồng thời đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày nêu rõ: Trong nhiệm kỳ của mình, Quốc hội đã có nhiều quyết định góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cuộc sống, trong đó có hỗ trợ ngân sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo... Đồng thời, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại có nhiều cải tiến cả về nội dung và hình thức, góp phần tranh thủ sự đồng tình của dư luận quốc tế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực phản động, thù địch. Quốc hội cũng xác định, trong giai đoạn tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...

Nội dung về Biển Đông cũng được nhấn mạnh trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày. Cụ thể, Báo cáo khẳng định: "Trên cương vị là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, trước tình hình thế giới và Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, Chủ tịch nước đã tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tại các phiên họp của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương; định kỳ làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về tình hình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; luôn quan tâm chăm lo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh quốc gia, khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO