Kỷ vật kháng chiến

Đức Hùng| 01/09/2015 14:16

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện sinh tử, một kỷ niệm gắn bó, ghi dấu một thời tham gia kháng chiến tại khu căn cứ Nâm Nung oai hùng của những chiến sĩ cách mạng đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Trong khu vườn nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, năm nay 75 tuổi, ở tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) có trồng cây củ nần. Cây này được ông mang về trong một lần trở lại chiến trường Nâm Nung nơi ông từng tham gia chiến đấu.

Trong những ngày ở khu căn cứ kháng chiến, ông và đồng đội đã đào củ nần làm thức ăn chống đói. Năm 1960, ông Khanh gia nhập bộ đội địa phương, thuộc Ban hậu cần Tỉnh đội Quảng Đức thời đó. Ông làm hậu cần phụ trách quân nhu, nên chiếc máy may đã gắn bó với ông từ đó cho đến nay.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông mang về một khẩu súng K54, một đầu máy may và một số quả bồ hòn... mà như ông tâm sự thì mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn với thời kỳ đấu tranh cách mạng gian khổ, nhưng cũng rất đỗi hào hùng.

Đọc sách, nghiên cứu lịch sử là niềm đam mê hiện nay của ông Nguyễn Văn Khanh

Ông Khanh kể, trong những năm 1962-1965 khi địch thực hiện chiến lược “dồn dân lập ấp” là khoảng thời gian bộ đội khó khăn nhất. Thiếu muối bộ đội lấy cây cỏ tranh, lồ ô non tước mỏng phơi khô đốt lấy tro làm muối. Sau những ngày chiến đấu là bộ đội phải đào củ mài, củ nần, hái đọt mây, măng, lá bép làm thức ăn thay cơm. Trong những năm tháng chiến đấu gian khó, thiếu thốn ấy, quả bồ hòn dùng làm dầu gội đầu, xà bông giặt quần áo, xát lên người chống vắt.

Hiện nay, ông còn lưu giữ các vật dụng từ thời ở trong rừng để kể lại cho con cháu nghe những câu chuyện trong chiến tranh mà bộ đội đã trải qua. Một số hiện vật quý ông đã tặng lại cho bảo tàng kèm theo những câu chuyện để qua đó nhiều người cùng biết về một thời đấu tranh cách mạng.

Còn ông Đặng Phi Hải, năm nay 79 tuổi hiện ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa), sau một thời gian tập kết ra Bắc, năm 1963, ông trở về Nam và tham gia chiến đấu ở căn cứ Nâm Nung. Theo lời ông Hải thì hành trình từ Bắc vào Nam đi hết 5 tháng và những vật dụng luôn mang bên người là ba lô, bi đông, ăngô,  khẩu súng và bộ dụng cụ y tế.

ADQuảng cáo

Chiến trường Nâm Nung hồi đó ác liệt lắm và thiếu thốn đủ bề, thiếu lương thực, thực phẩm, muối. Bộ đội vừa chiến đấu vừa sản xuất, thời gian sống ở đây, đói cơm, lạt muối là chuyện thường. Năm 1976  trở  về địa phương, ông mang theo những vật dụng đã một thời cùng ông “vào sinh ra tử” và những câu chuyện đầy ắp kỷ niệm.

Ông Đặng Phi Hải đã tặng nhiều kỷ vật kháng chiến cho Bảo tàng tỉnh

Với mong muốn để mọi người hiểu thêm về cuộc chiến tranh qua những hình ảnh, hiện vật lưu giữ được, ông quyết định tặng 1 bộ dụng cụ tiểu phẫu, 1 dao găm, 1 khẩu súng K54, 1 ba lô, một ăngô cho Bảo tàng tỉnh trưng bày.

Ông Hải tâm sự: “Nhìn thấy những hiện vật là như sống lại những ngày tháng cùng đồng đội hành quân, chiến đấu gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào”.

Ông Nguyễn Bá Cường, năm nay đã 87 tuổi, hiện ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) thì ngay từ năm 1959 đã bắt đầu vào khu căn cứ Nâm Nung, với nhiệm vụ là chiến sĩ quân y chăm lo sức khỏe cho bộ đội, đồng bào.

Ông Nguyễn Bá Cường luôn nâng niu, giữ gìn những tấm huân chương được Nhà nước tặng thưởng

Ông Cường nói, hồi đó, ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí thì bộ dụng cụ y tế luôn mang bên mình. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, dụng cụ nên việc cứu chữa cho bộ đội, đồng bào nhiều lúc phải tìm đủ mọi cách mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ. Có lần một anh bộ đội bị thương ở chân nhưng do vận chuyển nhiều ngày mới đến được điểm cấp cứu nên vết thương bị nhiễm trùng nặng, sau khi dùng các biện pháp khử trùng, ông quyết định dùng những dụng cụ hiện có để gây tê, cưa hẳn chân mới cứu được tính mạng. Bây giờ, bộ dụng cụ y tế đó vẫn là một kỷ vật hết sức quý giá đối với ông cho đến tận hôm nay.

40 năm trôi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất một dải, nhưng đối với những chiến sĩ cách mạng năm xưa, những kỷ vật kháng chiến vẫn luôn gắn bó, hiện hữu trong cuộc sống đời thường hôm nay, thật sự là một kỷ niệm thiêng liêng, minh chứng cho một thời đấu tranh cách mạng gian khổ mà hết sức oai hùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ vật kháng chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO