Nghĩa trang liệt sĩ nơi biển cả

Lê Phước| 28/07/2020 08:19

Những ngôi mộ nằm giữa đại dương là nơi yên nghỉ của những người con nước Việt đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

ADQuảng cáo

Nổi bật ở khu vực phía Bắc của quần đảo Trường Sa, Nam Yết như một “đảo ngọc” với những rặng cây xanh ngắt. Giữa thời tiết khắc nghiệt của biển đảo, Nam Yết vẫn luôn thẳm xanh và chứa chan bao xúc cảm. Màu xanh của những cây di sản, cây cổ thụ, rặng dừa hay những cây mới được gieo trồng phủ bóng xuống từng con đường, công sự, ngôi chùa… Màu xanh ấy cũng phủ bóng xuống che chở cho những ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ trên đảo.

Nghĩa trang Liệt sĩ đảo Nam Yết có 5 ngôi mộ, được xây dựng khang trang, sạch đẹp

Nghĩa trang liệt sĩ đảo Nam Yết có 5 ngôi mộ. Đây là nơi yên nghỉ của 5 cán bộ, chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết và một số đảo lân cận. Theo Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết thì đây chỉ là nơi “tạm yên nghỉ” của các liệt sĩ. Một thời gian nữa, những ngôi mộ này sẽ được đưa về đất liền để những liệt sĩ về với nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Dù là nghĩa trang “tạm thời” nhưng những ngôi mộ nơi đây được xây dựng khang trang, sạch đẹp trong khuôn viên thoáng đãng. Hàng ngày, những người lính làm nhiệm vụ trên đảo thường xuyên dọn dẹp khuôn viên, nhổ cỏ, tưới nước cho những cây xanh, bụi hoa xung quanh các ngôi mộ. Cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ tuần tra qua nơi đây cũng không quên dừng lại thắp cho đồng đội mình những nén nhang.

Trong số những ngôi mộ này có những người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Liệt sĩ trẻ nhất nằm lại ở nghĩa trang này là Binh nhất Nguyễn Vũ Hoàng Phương. Anh Phương sinh ngày 23/4/1995, quê ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và nhập ngũ tháng 9/2013. Vào tháng 2/2014, khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện tại đảo Nam Yết, anh đã mãi mãi ra đi khi mới 19 tuổi.

ADQuảng cáo

Những người con đất liền ra công tác tại Nam Yết dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển, đảo

Ở nghĩa trang này có 2 liệt sĩ cùng hy sinh trong cùng một ngày. Đó là liệt sĩ Nguyễn Văn Cường (SN 1990, quê ở Hưng Yên) và liệt sĩ Lại Huy Công (SN 1980, quê ở Thái Bình). Theo lời kể của Trung tá Đào Văn Kha, vào ngày 2/2/2012, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra trên biển, 2 chiến sĩ gặp một cơn giông lớn. Sóng dữ đập mạnh và xô anh Cường ra khỏi xuồng. Thấy vậy, anh Công lao xuống biển cứu đồng đội. Mặc dù là 2 người bơi lặn giỏi nhất trong tổ tuần tra nhưng trước sức mạnh của sóng dữ, cả 2 đã hy sinh. Thời điểm ấy, vợ anh Công vừa sinh con gái ở quê nhà. Người lính ấy đã ra đi khi chưa được nhìn thấy mặt con gái mình.

Sau khi thắp những nén hương cho những người lính đang nằm lại ở đảo xa, chúng tôi rời nghĩa trang để cùng cán bộ, chiến sĩ trở lại hội trường của đảo. Bất ngờ lúc này, máy bay trinh sát của nước ngoài tiếp cận gần khu vực của đảo. Toàn đảo báo động tác chiến phòng không, các lực lượng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Công tác triển khai được các đơn vị trên đảo thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

Theo Trung tá Đào Văn Kha, Nam Yết được xem là một “điểm nóng” nhất của quần đảo Trường Sa. Nam Yết gần với các đảo đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép như: Gạc Ma, Huy Gơ, Ga Ven, Su Bi, Ba Bình. “Cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung luôn ngày đêm huấn luyện, nêu cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi quyết tâm chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của dân tộc”, Trung tá Kha quyết tâm.

Lời khẳng định của Trung tá Kha và những gì chúng tôi cảm nhận được là tinh thần quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Giữa biển trời thiêng liêng, những người đã nằm xuống vẫn ngày đêm sát cánh cùng đồng đội - những người đang cầm chắc tay súng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa trang liệt sĩ nơi biển cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO