Thầm lặng chốt chặn biên giới, giữ bình yên cho hậu phương

Lam Giang| 07/09/2020 09:06

Dù địa hình khu vực biên giới hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Dang, đứng chân trên địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức) luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để ngăn chặn dịch Covid-19 ngay từ biên giới, giữ bình yên cho hậu phương.

ADQuảng cáo

Chuyện ở "chốt cô vít"

Biên giới Quảng Trực cuối tháng 8, đang là cao điểm mùa mưa, có những thời điểm mưa cả tuần. Trên chiếc xe máy, chúng tôi gồng mình để vượt qua đoạn sình lầy trên con đường mòn đến với "chốt cô vít" như các chiến sĩ biên phòng thường gọi chốt quản lý, bảo vệ biên giới, phòng chống dịch Covid-19. Bánh xe xoay tròn, cuộn theo những lớp đất đỏ dính chặt vào.

Cán bộ, chiến sĩ tại "chốt cô vít" thuộc Đồn biên phòng Đắk Dang tuần tra, kiểm soát bất kể ngày đêm

Đại úy Đỗ Văn Giang, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Đắk Dang cười nói: “May hôm nay đoàn mình đến trời nắng ráo còn đỡ, chứ cả tháng rồi trời mưa mỗi lần lên chốt là một cuộc “vật lộn” với con đường rất trơn và lầy lội. Mưa thì đi lại vất vả nhưng bù lại anh em tại chốt lại có nước để sinh hoạt, tắm giặt”.

Tại khu vực này, Đồn biên phòng Đắk Dang bố trí 2 "chốt cô vít", mỗi chốt cách nhau khoảng 3 km. Đứng ở gò đất phía trước lán, Đại úy Đỗ Văn Giang chỉ tay về phía suối giới thiệu: “Ở vị trí này có thể quan sát bao quát hết khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Bên phía Campuchia, tuy không sát khu dân cư nhưng có một công ty nước ngoài đang hoạt động. Nhiệm vụ của tổ công tác là chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ, không để cho các đối tượng xâm nhập biên giới trái phép".

Hàng đêm, bước chân tuần tra của người lính biên phòng vẫn bước đều để ngăn chặn các hoạt động xâm nhập biên giới trái phép

Vị trí 2 "chốt cô vít" đứng chân đều xa đồn, xa khu dân cư, không có điện và đặc biệt là không có nước. Điểm chốt chính mới được cấp trên đầu tư gia cố bằng nhà tôn lắp ghép nên anh em có chỗ trú mưa, trú nắng, chứ còn ở chốt phụ anh em ăn ở, sinh hoạt trong nhà bạt dã chiến thì vất vả hơn nhiều. Ngày thì nắng nóng, đêm thì lạnh thấu xương, nhiều hôm mưa tạt vào ướt gần hết, phải mắc tăng võng ở ngoài để ngủ.

Muốn có nước sinh hoạt, các chiến sĩ tại chốt phải về chốt Trương Tấn Bửu hoặc nhà dân cách đó khoảng 4 km chở từng can nước 20 lít lên. Do không có nước nên chốt không tổ chức nấu ăn tại chỗ mà hàng ngày anh em tranh thủ thay nhau chạy xe máy về chốt Trương Tấn Bửu ăn cơm và liên hệ nhà dân xung quanh xin nước tắm giặt. Ăn sáng là mì tôm nấu ngay tại chỗ.

Ban đêm, nhiệt độ khu vực biên giới xuống thấp, cán bộ, chiến sĩ phải đốt lửa vừa sưởi ấm vừa đuổi muỗi, côn trùng

Nước khan hiếm, việc sử dụng phải hết sức tiết kiệm nên chốt đề ra “tiêu chuẩn 3 ly” buổi sáng (1 ly nước đánh răng, 1 ly nước rửa mặt và 1 ly dùng để pha mì tôm ăn sáng). Chiến sĩ ở chốt cũng sáng tạo cách ăn mì tôm mới, đó là xé gói mì rồi bỏ cả ruột và vỏ bao vào tô, chế nước sôi vào ăn trực tiếp  luôn. Trước ngạc nhiên của chúng tôi, các chiến sĩ giải thích, không phải lười rửa mà do không có nước nên ăn như thế để đỡ tốn nước rửa tô.

Đại úy Đỗ Văn Giang trải lòng: "Chúng tôi xác định lán trại là nhà, rừng là đơn vị, biên thùy là Tổ quốc, dù có khó khăn, gian khổ đến mấy cũng vượt qua, không để lọt bất kỳ đối tượng nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Anh em đã xác định, công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ lâu dài nên ổn định tư tưởng, nêu cao quyết tâm bám chốt, bám đường biên".

3 tháng chưa về thăm nhà

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Dang nói chung và đang làm nhiệm vụ tại các chốt nói riêng đều phải gác nỗi nhớ gia đình để tập trung chống dịch.

ADQuảng cáo

Tất cả liên lạc với người thân của người lính biên phòng đều qua điện thoại di động vào những lúc nghỉ ngơi

Trung úy Âu Văn Tiến, Đội vận động quần chúng, nhà ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức), cách đơn vị khoảng 15 km nhưng hơn 3 tháng nay anh chưa một lần về thăm nhà. Tất cả liên lạc với người thân đều qua điện thoại di động vào những lúc nghỉ ngơi.

Trung úy Âu Văn Tiến cho biết, sau đợt cao điểm phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, đơn vị cũng tạo điều kiện cho về thăm nhà nhưng thấy mình còn trẻ nên nhường cho các anh có gia đình về trước. Đang chuẩn bị về thăm nhà thì dịch lại diễn biến phức tạp nên tạm gác lại nỗi nhớ nhà ở lại biên giới chống dịch.

Trung úy Âu Văn Tiến chia sẻ: “Hơn 3 tháng chưa về, cũng nhớ gia đình nhiều, nhưng là lính biên phòng, chúng tôi nghĩ nhiệm vụ bảo vệ biên giới là quan trọng nhất. Đặc biệt trong thời gian này, dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, chúng tôi luôn xác định rõ tư tưởng, trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Nơi tiền tiêu gian khổ, người lính biên phòng cùng chia sẻ niềm vui về gia đình 

Tương tự, chiến sĩ dân quân Điểu Liếp cũng hơn tháng nay chưa về thăm gia đình bày tỏ: “Ngay khi có lệnh điều động của xã, chúng tôi đã có mặt tại chốt để cùng các lực lượng tuần tra, kiểm soát, chốt chặn nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Chúng tôi đã dự lường về những khó khăn nên đều yên tâm bám biên, sẵn sàng phòng, chống dịch và các tệ nạn khác”.

Tuần tra bất kể đêm ngày

Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc những lớp sương mù dày đặc phủ kín khắp núi rừng. Nhiệt độ xuống thấp, những đống lửa được đốt lên vừa để sưởi ấm vừa để đuổi muỗi, côn trùng. Quanh đống lửa, buổi giao ban, phân công nhiệm vụ được diễn ra, rồi chia nhau mỗi người một nhiệm vụ, người trực tại chốt, người lên đường tuần tra biên giới.

20 giờ, tổ gồm 5 chiến sĩ bắt đầu hành quân. Hướng mắt theo ánh sáng lập lòe phát ra từ những chiếc đèn pin, những bước chân lặng lẽ, đều đặn nối tiếp nhau trên con đường mòn dọc biên giới. Mọi thành viên đều căng tai, căng mắt quan sát mọi dấu hiệu trên đường tuần tra.

Trung úy Phan Văn Nam chia sẻ: “Những chuyến tuần tra đêm như thế này cũng giống như mọi lần chúng tôi đi mật phục, vây bắt tội phạm, nên mọi người đều đã khá quen thuộc với địa hình nơi đây. Nhưng đợt phòng dịch lại có phần khác biệt hơn, đòi hỏi mỗi chiến sĩ nêu cao tinh thần, trách nhiệm hơn, với quyết tâm không để bất cứ trường hợp nào xâm nhập biên giới trái phép, nhất là các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật”.

Con đường đến "chốt cô vít" len lỏi giữa rừng

Thời gian trôi theo những bước chân. Sau khi tuần tra đến điểm tiếp giáp với đơn vị khác, kiểm tra xung quanh an toàn, anh em trong tổ hành quân về lại chốt để nghỉ ngơi, khi quần áo đã ướt sũng mồ hôi. Một tổ khác sẽ thay phiên tiếp tục tuần tra, kiểm soát.

Trải qua những bữa cơm ăn vội, giấc ngủ không sâu, những người lính biên phòng vẫn đang nỗ lực thầm lặng chốt chặt biên giới, ngăn chặn triệt để nguy cơ đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào trong lãnh thổ. Trung tá Trần Anh Tuấn, Đồn trưởng Đồn biên phòng Đắk Giang khẳng định: “Bảo vệ biên giới là nhiệm vụ của người lính. Do đó, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nêu cao quyết tâm, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để các đối tượng xâm nhập trái phép, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân ở hậu phương”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầm lặng chốt chặn biên giới, giữ bình yên cho hậu phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO