Tháng Tám 1945, đồng bào các dân tộc đứng lên làm chủ vận mệnh của mình

Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Nông (1945-2010)| 01/09/2015 14:16

Ngày 14/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh. Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh Đắk Lắk họp và quyết định phát động cuộc tổng khởi nghĩa.

ADQuảng cáo

Ngày 17/8/1945, nhận được tin nhân dân huyện Vạn Ninh và một số xã của huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) khởi nghĩa thắng lợi, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh đã quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở đồn điền Ca Đa và chọn nơi đây đặt cơ quan lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa toàn tỉnh.

Trong suốt ngày 19/8, Ủy ban Việt Minh các đồn điền đã huy động hết các xe vận tải và phương tiện có trong các đồn điền chở anh chị em công nhân tới các buôn, làng lân cận để hỗ trợ đấu tranh, thành lập chính quyền cách mạng.

Tối 19/8/1945, Ban lãnh đạo lâm thời tỉnh tổ chức họp khẩn cấp chuẩn bị cho kế hoạch tổng khởi nghĩa. Hội nghị khẳng định thời cơ giành chính quyền đã đến, các tổ chức Việt Minh từ tỉnh đến đồn điền, buôn làng phải tập trung lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đứng lên lật đổ bọn thống trị và thành lập chính quyền cách mạng. Hội nghị đã cử ra Ủy ban Khởi nghĩa gồm các đồng chí: Phan Kiệm, Phạm Sỹ Vinh, Nguyễn Trọng Ba, Huỳnh Bá Vân, Y Ngông Niê KĐăm, Y Bih Alêo, Thái Xuân Đồng…

Để đảm bảo cho khởi nghĩa toàn tỉnh thắng lợi, ngoài việc nắm lực lượng bảo  an – chỗ dựa vũ trang duy nhất của chính quyền bù nhìn, ta còn tổ chức khống chế quân Nhật. Ủy ban Khởi nghĩa đã giao cho đồng chí Nguyễn Khắc Tính (Ba Ban) đi giải thích vận động binh lính Nhật.

Ngày 20/8/1945, bọn tay sai thân Nhật dự định tổ chức lễ tuyên bố “độc lập” (tức là Nhật giao chính quyền cho Chính phủ Trần Trọng Kim). Chúng tập hợp được vài trăm người đến sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột để tổ chức mít tinh gây thanh thế. Ta nắm được tin này, đã huy động lực lượng đến tuyên bố khởi nghĩa giành chính quyền.

Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí Phan Kiệm – Chủ nhiệm Ủy ban Việt Minh tỉnh bước lên lễ đài tuyên bố: “Các tầng lớp nhân dân và tiểu đoàn bảo an binh đã đi theo Mặt trận Việt Minh làm cách mạng. Kể từ giờ phút này, chính quyền ở Đắk Lắk đã thuộc về nhân dân”.

ADQuảng cáo

Vào lúc 15 giờ ngày 24/8/1945, cuộc mít tinh ra mắt chính quyền diễn ra tại sân vận động thị xã Buôn Ma Thuột, quy tụ hơn 3.000 đồng bào các dân tộc Ê đê, Gia Rai, M’nông và 500 lính bảo an binh, những người đã giác ngộ về với cách mạng.

Đại diện Mặt trận Việt Minh tỉnh tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai phản động của phát xít Nhật và thành lập chính quyền nhân dân. Quần chúng hô vang các khẩu hiệu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo phát xít Nhật”.

Cùng thời điểm trên, Ủy ban Việt Minh tỉnh giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi San chỉ đạo việc khởi nghĩa, giành chính quyền ở các huyện Lắk, M’Drắk và Buôn Hồ. Chỉ trong vòng một ngày đã giành chính quyền thắng lợi cả 3 huyện và sử dụng số anh em binh lính theo Việt Minh bổ sung vào đơn vị vũ trang bảo vệ khởi nghĩa.

Tại các địa phương như Đức Lập (nay gồm: Đắk Song, Đắk Mil, Chư Jút) và Đức Xuyên (nay là Krông Nô), dưới sự lãnh đạo của cán bộ, hội viên Việt Minh, nhân dân đứng lên giành chính quyền thắng lợi. Ngày 23/8/1945, tại huyện lỵ Đức Lập trước cuộc mít tinh của đông đảo quần chúng, đại diện Mặt trận Việt Minh huyện tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai bù nhìn, thành lập ủy ban cách mạng lâm thời huyện.

Tại khu vực Ba Ranh Giới (Tuy Đức), đồng bào các bon nổi dậy tham gia cuộc mít tinh do đồng chí Nguyễn Trọng Ba tổ chức, chào cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ, sau đó mít tinh thành lập chính quyền cách mạng ở các tổng, phá bỏ tượng đài Hăngrimét và dựng bia tưởng niệm N’Trang Lơng.

Tại huyện Đắk Nông (lúc này thuộc tỉnh Đồng Nai Thượng) khởi nghĩa nổ ra đến ngày 28/8/1945 và kết thúc thắng lợi. Từ đây, một kỷ nguyên mới đã mở ra cho đồng bào các dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do, đồng bào các dân tộc đứng lên làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công tại Đắk Lắk và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân cả nước. Thắng lợi này là kết quả cụ thể của cả một quá trình tuyên truyền, vận động cách mạng của các chiến sĩ cách mạng, các đảng viên thuộc hai chi bộ nhà đày Buôn Ma Thuột và nhà ngục Đắk Mil, là sự giác ngộ và tích cực hưởng ứng cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo và sự chỉ đạo trực tiếp của Mặt trận Việt Minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháng Tám 1945, đồng bào các dân tộc đứng lên làm chủ vận mệnh của mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO