Chỉ mong các cháu đến tuổi trưởng thành, có thể tự lập là điều hạnh phúc nhất

Phan Tân| 03/06/2019 10:37

Đã gần 5 năm, kể từ ngày “dọn về” ở với Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16), 5 chị em Sùng Thị Dinh, bản Giang Châu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) lắm lúc vẫn ngỡ như mình đang mơ khi được sống trong trong vòng tay yêu thương của bộ đội.

ADQuảng cáo

Sống trong tình yêu thương đùm bọc của bộ đội Trung đoàn 720 nên cuộc sống của chị em Sùng Thị Dinh cũng đầy đủ, ấm no như những đứa trẻ khác trong vùng

Cách đây 5 năm, mấy chị em Sùng Thị Dinh đã trải qua những mất mát lớn lao và phải sống trong cảnh cùng cực ở tận xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk). Dù hôm nay đã được sống trong ngôi nhà do Trung đoàn 720 và Binh đoàn 16 xây tặng, được đi học, được trợ cấp nuôi dưỡng nhưng mỗi khi nhắc lại cuộc sống bất hạnh, đẫm nước mắt khi bố mẹ lần lượt qua đời trước đây, mấy chị em đều lại rưng rưng nước mắt.

Gia đình Sùng Thị Dinh di cư tự do từ phía Bắc vào vùng rừng núi Đắk Lắk. Nhà nghèo nhưng người bố lại suốt ngày uống rượu say khướt, nên đến năm 2013, người mẹ uất ức quá phải tìm đến cái chết. Chưa đầy 1 năm sau, người bố và ông nội cũng mất theo. Bố mẹ mất, bỏ lại Dinh cùng 4 người em là Sùng A Giàng (SN 2002), Sùng Thị Gió (SN 2004), Sùng Thị Sùng (SN 2006) và Sùng Thị Nu (SN 2008).

Dinh từ một đứa trẻ hồn nhiên trở thành trụ cột chính trong gia đình. Một mình Dinh phải tự bươn chải kiếm sống để lo cho các em, không biết nương tựa vào ai. Dinh phải đi làm nương rẫy và làm thuê đủ mọi công việc để nuôi các em, hoặc hàng xóm ai cho gì ăn cái đó, bữa đói nhiều hơn bữa no. Nhiều hôm mấy chị em phải ăn cơm nguội với muối trắng. Quần áo thì không có lấy một cái mới và lành lặn…Biết được hoàn cảnh, Binh đoàn 16 đã quyết định nhận 5 chị em Sùng Thị Dinh và giao cho Trung đoàn 720 chăm sóc, nuôi nấng.

ADQuảng cáo

Theo Đại úy Nguyễn Văn Thọ, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 720, lúc đầu tiếp nhận, các em không có bất kỳ giấy tờ tùy thân gì nên đơn vị cử cán bộ đi lại nhiều lần sang các tỉnh khác để làm toàn bộ thủ tục, giấy tờ khai sinh, hộ khẩu, học bạ. Sau đó, đơn vị đứng ra vận động ủng hộ và trích kinh phí xây dựng cho các em một căn nhà tình thương trị giá 400 triệu đồng nằm ngay cạnh trung tâm bản của người Mông sinh sống cũng như mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt.

Ngoài chu cấp tiền ăn, học, sinh hoạt cho 5 chị em đến năm 18 tuổi, hàng năm đơn vị còn tổ chức cho các cháu về thăm ông bà, họ hàng ở phía Bắc 2 lần vào dịp hè và tết. Sau một thời gian bỡ ngỡ, các cháu dần quen với hoàn cảnh, môi trường sống mới nên rất tự lập và ngoan ngoãn. Cán bộ, chiến sĩ luôn xem các cháu như con cái, cố gắng bù đắp những thiếu thốn về tình cảm.

“Dọn về” ở với bộ đội Trung đoàn 720, mấy chị em Sùng Thị Dinh được chăm lo, đi học đàng hoàng, có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn

Sống trong tình yêu thương, đùm bọc của những người lính Trung đoàn 720 cũng đầy đủ, ấm no như những đứa trẻ khác trong vùng, chị em Dinh coi các chú bộ đội như những người ruột thịt. Em Sùng A Giàng thổ lộ: “Mấy chị em luôn coi các chú bộ đội Trung đoàn 720 như là người bố, người mẹ đã tái sinh ra mình lần thứ 2. Sống với các chú bộ đội, chúng em cảm nhận được tình cảm, tình yêu mà trước đây chưa bao giờ có được”.

Chia sẻ về những “đứa con đặc biệt", Đại tá Nguyễn Đình Tụ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 cho biết: "Tháng 12/2018, cháu Sùng Thị Dinh là chị cả đủ tuổi kết hôn, được đơn vị đã tổ chức lễ cưới chu đáo theo đúng pháp luật và phong tục địa phương. Sau đó, đơn vị cũng bố trí cho Dinh làm việc tại Nhà trẻ của Trung đoàn. 4 chị em còn lại, đơn vị tiếp tục nuôi dưỡng cho đến khi 18 tuổi và nếu có nguyện vọng sẽ nhận vào làm công nhân, đào tạo nghề hoặc hỗ trợ, cấp đất sản xuất, giúp công ăn việc làm, ổn định cuộc sống”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ mong các cháu đến tuổi trưởng thành, có thể tự lập là điều hạnh phúc nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO