Vợ chồng nghèo hơn 30 năm nuôi trẻ mồ côi, bị nhiễm chất độc da cam

Hoàng Thanh| 09/10/2019 09:39

Ông Nguyễn Ngọc Em (SN 1960), vợ là bà Trần Thị Lâm (SN 1957) ở thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) là những người giàu lòng nhân ái. Gần 30 năm qua, hai vợ chồng đã nhận nuôi 3 chị em ruột mồ côi, bị nhiễm chất độc da cam. Không những vậy, vợ chồng ông còn nhận nuôi hộ 2 cháu nhỏ khác vì bố mẹ quá khó khăn.

ADQuảng cáo

Cả gia đình chen chúc trong căn lều rộng chừng hơn 10 m2

Qua giới thiệu của UBND xã Quảng Khê, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Em đúng lúc gia đình đang dùng bữa trưa. Mặc dù đã được biết trước hoàn cảnh của gia đình ông Em nhưng tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu tình cảnh thiếu thốn như thế nào.

Gọi là căn nhà cho sang, song thực chất chỉ là chiếc lều rộng chừng hơn 10 m2, mái và xung quanh được che bằng những tấm tôn mỏng. Giữa trưa nắng nóng, gần chục con người chen chúc trong khoảng không gian hẹp, trong lúc ăn cơm, cả người lớn và trẻ nhỏ mồ hôi nhễ nhại, đầm đìa.

Dùng vạt áo quệt mồ hôi trên mặt, bà Lâm thổ lộ: “Vợ chồng tôi quê ở tỉnh Kiên Giang, năm 2007 lên Đắk Nông lập nghiệp. Từ ngày còn ở Kiên Giang, vợ chồng tôi đã nuôi 3 chị em ruột mồ côi gồm các cháu: Nguyễn Thị Ánh Hồng (SN 1980), Nguyễn Thị Hồng Em (SN 1983) và Nguyễn Minh Châu (SN 1995). Cả 3 cháu đều bị ảnh hưởng chất độc da cam nên sức khỏe yếu, đầu óc không minh mẫn nên đều không thể đi học. Hiện nay, cả 3 cháu đều đã lớn song cũng chẳng tự thân làm được việc gì”.

Ông Em cho biết thêm: “Từ nhỏ đến giờ cả 3 cháu thường xuyên bị đau ốm, có khi vợ tôi phải đưa đi điều trị tại bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh cả tháng trời. Được cái các cháu đều rất ngoan, thương bố mẹ nuôi”.

Do chật chội nên chỗ dọn cơm cũng khó khăn

Được biết, cách đây vài năm cô chị Ánh Hồng có một chàng trai yêu mến lấy làm vợ. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, người chồng thường xuyên đi làm thuê ở xa nên Hồng vẫn ở với bố mẹ nuôi. Cô em Hồng Em cũng vậy, được một người đàn ông góa vợ “cho” một đứa con, song sinh con xong, Hồng Em vẫn ở với bố mẹ nuôi.

ADQuảng cáo

Vất vả là vậy, song vợ chồng ông Em không tính toán thiệt hơn. Do rẫy nương ít nên ngoài thời gian làm rẫy, ông Em còn tranh thủ đi làm thêm cho mọi nhà trong vùng để kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu.

Gần đây, cạnh nhà ông Em có đôi vợ chồng người Khmer ở Sóc Trăng lên làm thuê còn gửi 2 con nhỏ cho ông bà Em nuôi. Vừa đút cơm cho con ăn, chị Xớn Thị Liễu vừa tâm tình: “Năm 2016, vợ chồng tôi từ Sóc Trăng lên đây làm thuê, do không có nhà cửa, lại chuyên đi làm nên phải gửi 2 con cho ông bà Em. Ông bà tốt lắm, chăm sóc 2 con tôi như cháu của mình, cho ăn ở, cho đi học đến nay đã được gần 3 năm. Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn ông bà”.

Căn lều vừa là nơi ăn, ngủ vừa là nơi học tập

Thấu hiểu tấm lòng của vợ chồng ông bà Em, bà con chòm xóm thường xuyên hỏi thăm, đùm bọc. Bà Lâm chân tình: “Thấy vợ chồng tôi khó khăn, bác Phạm Văn Chiến ở cạnh cho thắp nhờ điện, bơm nước, mới đây còn cho 1 chiếc bồn inox 1500 lít để gia đình dùng. Những dịp lễ, tết, UBND xã, các đoàn thể địa phương cũng quan tâm thăm nom, tặng quà cho các cháu”.

Trong câu chuyện của mình, bà Lâm nhiều lần lau nước mắt phân trần, khó khăn mấy ông bà cũng chịu được song rất thương các cháu phải ở trong căn lều chật chội, chen chúc. Thực tình, vợ chồng ông bà cũng có rẫy, song do đường sá đi lại khó khăn nên mới ra mảnh đất sát quốc lộ 28 này dựng tạm chiếc lều để các cháu tiện đi học.

Mảnh đất được ông bà mua từ năm 2008 với giá 20 triệu đồng. Khi mua, vợ chồng bà đặt cọc 5 triệu đồng và có giấy viết tay, trong giấy có thể hiện khi nào làm xong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì trả nốt 15 triệu đồng còn lại. Tuy nhiên, đến năm 2011, sau khi làm được giấy tờ, người bán lại bán mảnh đất cho người khác. Vì đất đang tranh chấp nên ông bà không thể làm nhà cho con, cháu mình được. Ước mong của ông bà là có được mảnh đất này để dựng nhà cho con, cháu đỡ vất vả hơn.

Theo UBND xã Quảng Khê, vợ chồng ông Em có khiếu nại việc mảnh đất đang dựng lều ở bị người khác tranh chấp, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Hiện nay, việc tranh chấp đang được Tòa án Nhân dân huyện Đắk Glong giải quyết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vợ chồng nghèo hơn 30 năm nuôi trẻ mồ côi, bị nhiễm chất độc da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO