Cần tăng cường áp dụng các quy định xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn

Ngàn Sâu| 13/07/2016 10:35

Tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng phổ biến, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân cơ bản là do ý thức người dân chưa cao và các địa phương chưa nghiêm túc áp dụng các quy định của pháp luật về môi trường.

ADQuảng cáo

Người dân ở nhiều địa phương vẫn có thói quen xả rác tùy tiện, gây ảnh hưởng đến môi trường

“Vô tư” gây ô nhiễm…

Thời gian qua, tại tuyến đường liên thôn đoạn qua khu vực thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp), đã tồn tại một bãi rác lớn, bốc mùi hôi thối. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần giải tỏa, đồng thời nhắc nhở người dân không vứt rác tại đây, nhưng bãi rác này vẫn tồn tại và ngày càng phình to.

Tương tự, tại Km 764, quốc lộ 14, đoạn qua địa phận xã Đắk R’la (Đắk Mil) cũng xuất hiện một số bãi rác bên lề đường, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân...

Không chỉ có những bãi rác nói trên mà hiện nay, ở rất nhiều vùng nông thôn đều có thể bắt gặp những bãi rác tự phát với ngổn ngang rác thải sinh hoạt. Rác được vứt ở bờ ruộng, ao, hồ, vệ đường...

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, thậm chí coi việc giữ gìn vệ sinh môi trường là việc chung của xã hội chứ không phải là việc của từng cá nhân, gia đình. Bên cạnh đó, do địa bàn nông thôn rộng, dân cư thưa thớt, nên ít được các đơn vị thu gom, xử lý rác thải quan tâm.

ADQuảng cáo

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay hầu hết các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đều chưa quy hoạch, xây dựng bãi rác và hệ thống xử lý rác thải. Một lý do quan trọng khác là các quy định xử lý về hành vi gây ô nhiễm môi trường còn ít được các địa phương ở khu vực nông thôn đưa vào áp dụng, dẫn đến người dân “vô tư” vi phạm mà không hề bị xử lý.

Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương cần ban hành và thể chế hóa bằng các quy chế có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn và tiến tới xây dựng thành quy định chung trên địa bàn về lĩnh vực này. Địa phương cũng cần tăng cường công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn, biện pháp quan trọng nhất và mang tính chiến lược chính là vận động, tuyên truyền cộng đồng để thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen xả rác tùy tiện. Do đó, các địa phương và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân. Các địa phương cần có sự quan tâm quy hoạch và xây dựng các bãi rác thải một cách phù hợp...

Tăng nặng mức xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường

Khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm về giữ gìn vệ sinh chung. Theo đó, sẽ xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác; Tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng; Đổ rác, chất thải hoặc bất cứ vật gì khác vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường; Để rác, chất thải, xác động vật hoặc bất cứ vật gì khác mà gây ô nhiễm ra nơi công cộng hoặc chỗ có vòi nước, giếng nước ăn, ao, đầm, hồ mà thường ngày nhân dân sử dụng trong sinh hoạt làm mất vệ sinh.

Bên cạnh mức xử phạt nói trên, tại Khoản 3, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ còn quy định buộc tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Khoản 2 phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định các hình phạt nghiêm khắc về tội gây ô nhiễm môi trường. Khoản 2, Điều 235, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Hành vi chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 1-3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần tăng cường áp dụng các quy định xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO