Cảnh báo sự suy kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm

Văn Tâm| 24/06/2015 10:57

Trong những năm qua, việc khai thác sử dụng tài nguyên nước thiếu bền vững dẫn đến những biểu hiện suy thoái tài nguyên nước như tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước, khan hiếm nước đã xuất hiện ở nhiều nơi và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây.

ADQuảng cáo

Tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả, thiếu quy hoạch, thiếu tính liên ngành còn khá phổ biến trên lưu vực. Trong khi đó, nhu cầu dùng nước phục vụ phát triển không ngừng gia tăng, cân bằng nước giữa cung và cầu nhiều lúc, nhiều nơi không đảm bảo, đã trở thành áp lực lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các địa phương.

Nhiều hộ dân ở huyện Chư Jút thuê máy khoan giếng để cung cấp nước tưới cho cây trồng

Nguồn nước bị suy giảm

Theo báo cáo của Đoàn khảo sát trữ lượng nước của Bộ Tài nguyên - Môi trường mới đây thì hiện tại, mực nước ngầm tại huyện Đắk Mil, Đắk Song và Chư Jút đang suy giảm nghiêm trọng, tầng nước ngầm giảm từ 3 - 5m so với trước đây.

Cụ thể, tại các huyện Đắk Mil và Chư Jút từ những năm 2006 trở về trước có thể khai thác tối đa 0,6 triệu m3/ngày, nhưng nay, các địa phương này chỉ còn chưa đầy 0,3 – 0,4 triệu m3/ngày. Như vậy, trong vòng chưa đầy 10 năm nhưng mực nước ngầm suy giảm xuống dưới hơn 1/3 so với trước. Trong đó, nước ngầm là nguồn nước quan trọng trong tưới cây công nghiệp, chủ yếu là cây cà phê ở một số huyện như Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong…

Theo tính toán cho thấy, cứ mỗi ha trồng trung bình 1.100 cây cà phê, một mùa khô tưới trung bình 4 lần, mỗi lần tưới khoảng 0,6 m3/cây thì mỗi mùa khô 1 ha cà phê cần lượng nước tưới là 2.640 m3. Như vậy, tổng lượng nước dưới đất dùng để tưới 118.000 ha cà phê của toàn tỉnh trong một vụ (mùa khô) cần tới 311.520.000 m3.

Đối với các huyện Đắk Mil, Chư Jút, những địa phương này do địa hình phức tạp, nguồn nước khai thác để tưới cà phê bị khai thác quá mức đã dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất đáng kể. Điều này thể hiện rất rõ vào mùa khô năm 2015 vừa qua, các giếng khoan khai thác nước sinh hoạt, cung cấp tưới cho cà phê đã bị cạn kiệt, gây khó khăn rất nhiều cho người dân.

ADQuảng cáo

Theo các chuyên gia, nhìn chung, việc khai thác nước ngầm phục vụ tưới cà phê diễn ra khá phức tạp, kỹ thuật khai thác, công nghệ, kết cấu giếng còn nhiều hạn chế. Điều này đã gây ảnh hưởng đến động thái và chất lượng nước dưới đất, nhất là hiện tượng suy giảm mực nước. Một vấn đề khác đáng lưu ý là do đặc điểm cấu tạo một số vùng đất bazan hình thành 2 - 3 tầng chứa nước, có một số giếng khoan thiết kế chưa hợp lý đã gây hiện tượng nước từ tầng trên chảy xuống tầng dưới, làm suy kiệt nước ở tầng trên.

Mặt khác thời tiết, khí hậu đang có sự biến đổi theo xu hướng bất lợi, nạn phá rừng khó kiểm soát, diện tích cà phê gia tăng không cân đối kéo theo nhu cầu về nước tưới,... đã gây cho mực nước ngầm ở các vùng này sâu thêm so với trước đây 3 - 5 m. Vùng bị chảy từ tầng trên xuống tầng dưới mực nước ngầm tụt sâu 10 - 20 m, hiện tượng đó đã gây không ít khó khăn về nước sinh hoạt, ăn uống của người dân. Mặt khác các dòng chảy bề mặt (sông, suối) lưu lượng bị giảm dần do nguồn nước ngầm cung cấp bị hạn chế.

Tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm

Thực tế cho thấy, những tác động do suy thoái môi trường, khai thác không tuân thủ quy định đã khiến cho nguồn tài nguyên nước đang bị suy giảm mạnh, tình trạng suy kiệt nguồn nước ngầm cục bộ ở những thời điểm khô hạn cao điểm đã xảy ra ở một số nơi.

Trước tình hình trên, đòi hỏi các cấp, ngành chuyên môn cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo vệ mực nước ngầm như khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng cây có nhu cầu nước tưới ít hơn và đẩy mạnh việc trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ vững chắc diện tích rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ…

Đồng thời, các ngành chức năng chủ động hơn trong việc quy hoạch, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm hợp lý, ưu tiên phục vụ cho nhu cầu dân sinh trên địa bàn. Theo kết quả điều tra của ngành chuyên môn, đối với một vùng có nguồn nước ngầm trung bình như Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song… có khả năng cung cấp nước cho các công trình khai thác nước tập trung quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, riêng khu vực Đắk Song, các giếng khoan thường phải có độ sâu 120 - 200 m. Đây là vùng cần kết hợp khai thác nước dưới đất song song với phương án khai thác sử dụng nước mặt.

Ngoài ra, để bảo vệ nguồn nước ngầm lâu dài, trước mắt, các ngành chức năng phải đẩy mạnh công tác trồng rừng, nhất là trồng rừng thay thế sau khi xây dựng các công trình thủy điện để duy trì độ che phủ rừng. Các cấp, các ngành cần phải có biện pháp cụ thể trong việc quản lý, chấn chỉnh các hoạt động khai thác, sử dụng nước ngầm tại các khu dân cư, ở những vùng trồng cà phê, hồ tiêu…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo sự suy kiệt nguồn tài nguyên nước ngầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO