Công tác quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường: Còn rất nhiều bất cập

Lê Dung| 17/04/2015 10:15

Theo kết quả sơ bộ việc kiểm kê đất rừng của các nông, lâm trường mới đây thì diện tích rừng trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 230.000 ha, còn lại là diện tích đất đã bị lấn chiếm…

ADQuảng cáo

Thực hiện sắp xếp, đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW, ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị, đến nay, về cơ bản, các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc rà soát hiện trạng sử dụng đất; đồng thời, chuyển từ hình thức không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường vẫn còn nhiều bất cập cần sớm khắc phục.

70% diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp Trường Xuân (Đắk Song) quản lý đã biến thành đất nông nghiệp. Ảnh tư liệu

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường thì đến nay, tại các nông, lâm trường, việc đo đạc, lập bản đồ quản lý, sử dụng đất vẫn chưa được các đơn vị thực hiện. Phần lớn các doanh nghiệp cũng chưa triển khai ký kết hợp đồng thuê đất với cơ quan chức năng theo quy định.

Công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất, mặc dù đã thực hiện nhưng lại chủ yếu được tiến hành trên sổ sách, chứ không căn cứ vào thực tế sử dụng đất của từng nông, lâm trường. Ngoài ra, hầu hết các nông, lâm trường cũng chưa thực hiện việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và đo đạc, lập bản đồ địa chính theo quy định, dẫn đến công tác quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng chưa đi vào nề nếp, chưa khai thác hết tiềm năng của đất và rừng.

Các đơn vị cũng chưa được thực hiện nghiêm túc việc chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bản đồ kèm theo trong trường hợp Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất, dẫn đến tình trạng cùng một vị trí đất nhưng có nhiều giấy chứng nhận được cấp cho nhiều đơn vị khác quản lý, sử dụng…

Qua thực tế thanh, kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, hiện nay, tình trạng đất của các nông, lâm trường bị tranh chấp, lấn chiếm vẫn còn diễn ra thường xuyên, phổ biến với diện tích lớn. Cụ thể như trong số 13 đơn vị được thanh tra gần đây thì cơ quan chức năng phát hiện có tới 11 doanh nghiệp có đất bị lấn chiếm, với tổng diện tích là hơn 29.041 ha.

Được biết, nguyên nhân ở đây một phần là do trước đây, việc giao đất, cho thuê đất cho các nông, lâm trường không được diễn ra cụ thể. Hoạt động giao, cho thuê đất chủ yếu trên giấy tờ, tỷ lệ bản đồ nhỏ, có độ chính xác thấp dẫn đến bao trùm lên đất của các hộ gia đình, cá nhân khác đang sử dụng.

ADQuảng cáo

Trên thực tế, về bản chất, phần lớn diện tích được cho là lấn chiếm không phải do bị lấn chiếm, mà là vì công tác rà soát, phân loại của các nông, lâm trường và cơ quan quản lý Nhà nước chưa phân định rõ diện tích vốn là của người dân đã sử dụng ổn định, lâu dài và diện tích thực tế của nông, lâm trường quản lý, sử dụng.

Kinh phí cho công tác đo đạc, thống kê, rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất của các nông, lâm trường còn hạn chế nên cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được đảm bảo. Đặc biệt, việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn quá lỏng lẻo nên đã dẫn đến nhiều sai phạm, hạn chế trong quá trình hoạt động.

Mặt khác, việc tính tiền thuê đất đối với một số trường hợp lại chưa phù hợp về giá thuê đất, đặc thù quản lý, sử dụng đất cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các đơn vị không ký hợp đồng thuê đất hoặc ký hợp đồng, nhưng không có khả năng nộp tiền thuê đất.

Bên cạnh đó, hiện nay, việc giao khoán đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân của các doanh nghiệp cũng còn nhiều tồn tại, bất cập. Một số hợp đồng giao khoán đất chưa thể hiện được đầy đủ các nội dung, hồ sơ giao khoán lập còn thiếu hoặc giao khoán đất không đúng đối tượng. Do đó, việc phân chia lợi nhuận đã không tương ứng với phần vốn của mỗi bên tham gia đầu tư…

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trước thực trạng trên, đơn vị đã để nghị UBND tỉnh chỉ đạo các công ty nông, lâm nghiệp tiếp tục rà soát, lập, điều chỉnh phương án quy hoạch sử dụng đất chi tiết phù hợp với nhiệm vụ của công ty cũng như quy hoạch sử dụng đất của địa phương.

Các công ty nông, lâm nghiệp cũng cần rà soát, đo đạc, lập bản đồ địa chính cắm mốc ngoài thực địa, xác định rõ diện tích các loại đất quản lý, sử dụng cho từng mục đích; đồng thời, xử lý dứt điểm các trường hợp đất cho thuê, cho mượn, đất bị lấn chiếm, tranh chấp, đất liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư…

Riêng đối với những diện tích bị người dân lấn chiếm, đơn vị cũng sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT rà soát, tham mưu điều chỉnh lại quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất, nhằm xác định rõ diện tích quy hoạch trồng lại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng trồng sản xuất. Diện tích còn lại nếu các đơn vị không đưa vào phương án sử dụng đất sau khi sắp xếp lại thì sẽ đề nghị UBND tỉnh thu hồi giao cho địa phương quản lý và đưa vào quy hoạch sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý, sử dụng đất tại các nông, lâm trường: Còn rất nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO