Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt: Bị xử phạt nặng vì vi phạm về bảo vệ môi trường

Phan Tuấn| 01/04/2015 09:32

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 302/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt đứng chân tại thôn Thuận Tân, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) 150 triệu đồng về việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

ADQuảng cáo

Theo đó, công ty bị xử phạt vi phạm theo điểm i, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 179/2013 ngày 14/11/2013 của Chính phủ vì chưa xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải theo cam kết nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy gỗ MDF Long Việt chưa được hoàn thiện, gây ô nhiễm môi trường xung quanh

Có thể nói, việc Công ty Long Việt bị xử phạt hành chính là điều không thể tránh khỏi, vì cả một thời gian dài, trong quá trình sản xuất, công ty đã không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân ở xung quanh.

Cụ thể, vào ngày 29/10/2014, qua phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên-Môi trường đã phối hợp với Sở Công thương, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đắk Song và UBND xã Thuận Hạnh đã tiến hành kiểm tra Nhà máy sản xuất gỗ MDF Long Việt.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra đã phát hiện có 5 điểm xả thải từ hàng rào của nhà máy ra khu vực quốc lộ 14C. Đặc biệt, tại các điểm xả thứ 3 và thứ 4 đang tồn đọng một lượng nước màu đen ngay phần đất sát bên ngoài hàng rào của nhà máy. Còn phía bên trong hàng rào nhà máy thì đều có các đường thoát nước dẫn tới các điểm này.

Đoàn kiểm tra đã lấy các mẫu nước tại các hồ chứa bên trong nhà máy và nước tồn đọng bên ngoài hàng rào nhà máy để phân tích. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, tất cả các mẫu đều có các thông số môi trường như: COD, TSS, tổng N đều vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước thải công nghiệp rất nhiều lần (QCVN 40:2011/BTNMT).

ADQuảng cáo

Điển hình, mẫu nước tồn đọng vị trí ngoài hàng rào nhà máy tại điểm xả thứ 3 có nồng độ COD vượt 33,6 lần, TSS vượt 29 lần, tổng N vượt 106 lần. Còn tại hồ thải chứa nước tự ngấm bên trong nhà máy có nồng độ COD vượt 134 lần, TSS vượt 20 lần, tổng N vượt 5,5 lần, tổng P vượt 70,5 lần.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra hiện trạng môi trường thì nhà máy mới chỉ có 1 bể lắng cạn, 3 hồ chứa nước đã đầy; trong đó, 1 hồ được lót chống thấm, 2 hồ còn lại không được lót chống thấm…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì từ kết quả kiểm tra hiện trường và kết quả phân tích mẫu cho thấy, lượng nước tồn đọng ngoài hàng rào nhà máy có tính chất ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng.

Vì vậy, cùng với việc ban hành quyết định xử phạt, trước đó, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Công ty Long Việt lấp các điểm xả thải hàng rào, trừ điểm thoát nước mưa; không được xả nước thải vào điểm xả nước mưa, quản lý chất thải thông thường, chất thải nguy hại theo đúng quy định; không thải chất thải vượt quy chuẩn môi trường ra nguồn tiếp nhận và có trách nhiệm khắc phục các tác động đến môi trường do chất thải của nhà máy phát sinh tại khu vực quốc lộ 14C phía sau hàng rào nhà máy.

Công ty phải có trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, khí thải như đã nêu tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Trong giai đoạn xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn, nhà máy phải có giải pháp quản lý và xử lý nước thải phù hợp để bảo đảm tuyệt đối các hồ lưu giữ nước, không được chảy tràn ra ngoài môi trường…

UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng như: Công an tỉnh, Sở Tài nguyên - Môi trường, UBND huyện Đắk Song, xã Thuận Hạnh có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt thực hiện các nội dung trên. Nếu đơn vị không nghiêm túc thực hiện hoặc không triển khai thực hiện thì các ngành chức năng báo cáo, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục xử lý theo quy định.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt: Bị xử phạt nặng vì vi phạm về bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO