Cư Jút nỗ lực xóa lò gạch thủ công

Lê Phước| 11/12/2019 11:17

Những năm gần đây, nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Cư Jút đã được xóa bỏ hoặc chuyển sang các mô hình sản xuất khác, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

ADQuảng cáo

Vào năm 2007, gia đình ông Cao Xuân Luyện, ở thôn 6, xã Trúc Sơn (Cư Jút) quyết định đầu tư tiền của theo ngành sản xuất gạch. Ban đầu, ông Luyện đầu tư kinh phí để san lấp mặt bằng, sân phơi và mua máy móc, xây dựng lò gạch theo công nghệ nằm đốt củi. Sau nhiều năm triển khai, dây chuyền sản xuất gạch thủ công của gia đình ông hoàn thiện. Mỗi tháng, ông Luyện đốt khoảng 3 - 4 lò gạch (mỗi lò khoảng 10.000 viên gạch). Ông Luyện cung cấp ra thị trường số gạch tương đương, mang về cho gia đình lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/tháng.

Mặc dù thu được lợi nhuận nói trên nhưng theo ông Luyện, nghề làm gạch vất vả và dây chuyền đầu tư chưa đồng bộ nên thiếu bền vững. Chất lượng gạch nung khá tốt, được thị trường ưa chuộng, nhưng máy móc hay hư hỏng nên kinh phí sửa chữa, tái đầu tư cao. Hơn nữa, do chưa có giấy phép khai thác nguyên liệu, nên gia đình ông buộc phải mua lại ruộng lúa nước của người dân rồi khai thác đất nên không đủ nguồn nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình sản xuất gạch cũng không tránh khỏi tình trạng khói, bụi... gây ô nhiễm môi trường. Vậy nên khi xã, huyện vận động xóa bỏ lò gạch thủ công, ông Luyện đã đồng tình ủng hộ. “Máy móc đầu tư chắp vá nên phải bán phế liệu hết. Còn sân phơi, lò gạch thì mình tháo xuống rồi tận dụng được gì thì được. Nhà nước cũng quan tâm, hỗ trợ cho gia đình tôi hơn 6 triệu đồng để tháo dỡ lò gạch”, ông Luyện chia sẻ.

ADQuảng cáo

Nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn xã Trúc Sơn (Cư Jút) đã dừng hoạt động.

Ngoài cơ sở của gia đình ông Luyện, có 3 lò gạch thủ công khác của một cơ sở sản xuất trên địa bàn xã Trúc Sơn đã dừng hoạt động nhưng chưa tháo dỡ hoàn toàn. Theo Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn Trương Việt Vương, hiện toàn xã còn 2 cơ sở hoạt động sản xuất gạch. Trong đó, có một gia đình đã đầu tư hệ thống sản xuất gạch theo kiểu lò đứng liên tục để thay thế cho công nghệ lò nằm đốt củi. Ở thời điểm hiện tại, hình thức lò đứng được phép hoạt động nhưng đến hết năm 2020 cũng phải xóa bỏ. Riêng 1 cơ sở đã liên kết với các hộ dân khác để thành lập hợp tác xã (HTX) sản xuất gạch theo hình thức áp dụng công nghệ tiên tiến.

Theo Trưởng Phòng TN&MT huyện Cư Jút Nguyễn Anh Đông, trên địa bàn huyện có 9 lò gạch thủ công phải dừng hoạt động và xóa bỏ. Hiện tại, đã có 4 lò gạch dừng hoạt động (trong đó 1 lò đã tháo dỡ hoàn toàn và 3 lò dừng hoạt động). “Thời gian qua, huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công dừng hoạt động nhưng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều đáng mừng là trong số 5 lò gạch đang hoạt động ở thị trấn Ea T’ling thì có 4 hộ dân đã đồng tình sẽ hợp tác với nhau để chuyển đổi qua hình thức HTX sản xuất gạch không nung. Ngoài việc tiếp tục vận động cơ sở còn lại dừng hoạt động, chúng tôi sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền các chính sách hỗ trợ cho các HTX nhằm sớm xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại địa phương”, ông Đông cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cư Jút nỗ lực xóa lò gạch thủ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO