Đổi mới để chủ động ứng phó với thiên tai

Hồng Thoan| 28/06/2016 09:57

Biến đổi khí hậu với những hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan đã gây ra nhiều hậu quả lớn tại một số địa phương trong tỉnh. Thực tế này đang đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai phải có những sự đổi mới tích cực để chủ động phòng và chống hiệu quả.

ADQuảng cáo

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông, biến đổi khí hậu đang biểu hiện ngày càng rõ nét. Điển hình nhất là việc mùa mưa đến muộn, kết thúc sớm từ 15- 20 ngày. Cùng với đó, lượng mưa cũng ít. Khoảng 2 năm lại đây, lượng mưa trung bình của tỉnh, lượng mưa chỉ còn lại trong khoảng 60-90% so với trung bình mọi năm. Điển hình ở các huyện vùng phía Bắc tỉnh đạt dưới 60% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Chính vì thế, vào mùa khô, các sông, suối, hồ đập tích nước không đủ, khi gặp nắng hạn thì nhanh chóng cạn kiệt.

Vụ đông xuân 2015- 2016, hạn hán đã làm cho trên 200 ha đất sản xuất lúa phải ngưng sản xuất, gần 21.000 ha cà phê, hồ tiêu giảm năng suất và gần 1.800 ha mất trắng. Ước tính thiệt hại do hạn hán gây ra khoảng 1.020 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Nông cho biết: “Ngay sau El Nino là hiện tượng La Nina, dự báo có thể gây ra lũ bất thường ở các sông suối nhỏ. Điều này chứng tỏ diện tích rừng đầu nguồn đang bị suy giảm nghiêm trọng làm cho hệ số điều tiết nước dòng chảy kém đi, tính chất lũ khi xảy ra sẽ nhanh hơn, bất thường hơn”.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) tỉnh, những tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 5 trận lốc xoáy và 3 trận mưa đá. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,9 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Khu thực nghiệm của Trường đại học Nguyễn Tất Thành tại Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh bị sập đổ sau trận lốc xoáy ngày 8/5/2016

Ông Lê Viết Thuận, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp - PTNT) cho rằng, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra nhiều hơn và không theo quy luật những năm trước. Đó là xảy ra ở những vùng trước đây ít xảy ra, mức độ và tính chất cũng khốc liệt hơn. Điều này đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai phải có những sự điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp.

Cũng theo ông Thuận, cụ thể nhất là việc cập nhật, dự báo phải nhanh, độ chính xác phải cao hơn. Trong khi đó, thực tế công tác này của tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế. Cùng với đó, toàn tỉnh phải khắc phục được tình trạng chậm chạp trong ứng phó, hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, báo cáo khi có thiên tai xảy ra. Đắk Nông cũng cần huy động tốt hơn sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư cùng phòng, chống thiên tai chứ không phải coi đó chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp, của huyện, của tỉnh. Công tác tuyên truyền phải sâu sát hơn với dân cư gắn với từng vùng với các nguy cơ điển hình.

Nhận định được thực tế này, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị cần thiết. Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tập trung củng cố lại, kiện toàn ban chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh, của huyện cũng như xã. Trong đó, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng dân cư tập trung làm tốt phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư - phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ; và “3 sẵn sàng” gồm: Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả. Các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở bờ sông Krông Nô, Đắk Glong hoặc sạt lở đất ở Tuy Đức thì chỉ đạo các đơn vị này luôn luôn kiểm tra, nếu có hiện tượng như vậy thì xử lý kịp thời tránh gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với tài sản, tính mạng của nhân dân, Nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới để chủ động ứng phó với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO