Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tể: Đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm cao

Vũ Trang| 29/08/2019 08:14

Với mục đích tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Bộ Y tế đã triển khai công tác giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Cùng với các địa phương trong cả nước, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng ký cam kết thể hiện quyết tâm thực hiện tốt công tác này.

ADQuảng cáo

Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh ký cam kết thể hiện quyết tâm thực hiện tốt việc giảm thiểu chất thải nhựa

Khoảng 5% chất thải y tế là chất thải nhựa

Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động hàng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân cũng như từ các hoạt động chuyên môn như bao bì, dụng cụ bao gói chứa đựng thuốc, trang thiết bị vật tư tiêu hao, đồ dùng y tế… Trong đó, phần lớn chất thải nhựa là túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh: “Các sản phẩm nhựa dùng một lần trong y tế cũng có một số ưu điểm như góp phần phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm chất lượng chuyên môn y tế, nhất là những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn”.

Vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BYT ngày 29/7/2019 về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Y tế. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức, người lao động trong ngành hạn chế sử dụng  túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế... Các đơn vị y tế cũng cần phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế; phấn đấu tiến đến chấm dứt việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy...

Giảm thiểu sử dụng đồ dùng làm từ nhựa và túi nilon tại các cơ sở y tế rất cần sự chung tay của cả bệnh nhân và người nhà. Ảnh: Bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Đắk R'lấp

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế cần tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống, các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá trình khám, chẩn đoán, điều trị, trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế nhằm giảm phát sinh chất thải nhựa.

ADQuảng cáo

Từ quyết tâm đến hành động

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, thời gian qua, các cơ sở y tế trong cả nước đã bước đầu triển khai nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Riêng tại tỉnh Đắk Nông, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 201/KH-SYT ngày 25/12/2018 về thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” và triển khai đến 100% đơn vị trực thuộc.

Bệnh nhân nghèo nhận cơm bằng cà men tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Song

Theo đó, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện “Nói không với các sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần”, các cơ sở y tế cũng tăng cường kiểm soát việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải và phát động phong trào thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh…

Từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã huy động khoảng 660 cán bộ, viên chức, người lao động tham gia vệ sinh môi trường, thu gom trên 160 kg rác thải nhựa, khơi thông 210 m cống rãnh, làm vệ sinh khoảng 5 km khu vực công cộng và tổ chức 9 buổi giao ban, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa.

Theo Sở Y tế, việc hạn chế, phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy trong ngành Y tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, công việc này cần quá trình cụ thể, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng ngành Y tế mà của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Theo đánh giá của Bộ Y tế tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế mới đây, cả nước có khoảng 13.000 cơ sở y tế với gần 150 triệu bệnh nhân điều trị nội trú và hơn 450 triệu bệnh nhân điều trị ngoại trú mỗi năm, chưa kể một số lớn cộng đồng người dân sử dụng các sản phẩm của y tế, nên số lượng chất thải nhựa là rất lớn. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, khoảng 5% trong số chất thải y tế là chất thải nhựa, tương đương khoảng 22 tấn/ngày.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng chia sẻ: “Chúng ta cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cơ sở y tế, các nhà thuốc, các cơ sở sản xuất dược phẩm tại các đô thị lớn không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; đến năm 2025 tất cả các hoạt động y tế trên cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tể: Đòi hỏi nỗ lực và quyết tâm cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO