“Lá chắn” trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Lê Phước| 16/04/2018 11:24

Thực hiện Nghị định số 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, tháng 12/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1935/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trước nguy cơ cạn kiệt và bị xâm hại.

ADQuảng cáo

Sông Krông Nô sẽ được cắm mốc hành lang tối thiểu 20m trên phạm vi 42,5 km

Hành lang bảo vệ nguồn nước được quy định tại Nghị định 43 là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ bao gồm: Hồ chứa thủy điện, thủy lợi; hồ tự nhiên, hồ nhân tạo ở các khu đô thị, khu dân cư; hồ, ao lớn có chức năng điều hòa; đầm phá, sông, suối, kênh, rạch...

Hành lang bảo vệ nguồn nước được lập để thực hiện các chức năng: Bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng, chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, các loài động, thực vật ven nguồn nước và tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, bảo tồn và phát triển các giá trị về lịch sử, văn hóa, du lịch, tín ngưỡng liên quan đến nguồn nước.

Theo Quyết định 1935 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 102 đoạn sông suối dài 1.922,6 km, 218 hồ thủy lợi, 19 hồ thủy điện và 1 hồ tự nhiên tại 8 huyện, thị xã nằm trong danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ.
Theo bà Trương Thị Đạm Tuyết, Trưởng Phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở TN&MT), vùng đất được gọi là hành lang bảo vệ nguồn nước có tác dụng như một "lá chắn" bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; bảo vệ, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái thủy sinh... Việc xác lập hành lang và tiến hành cắm mốc sẽ góp phần giúp các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch các công trình liền kề bờ sông, suối và hạn chế các nguyên nhân gây sạt lở, bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân.

ADQuảng cáo

Nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên nước tự nhiên, ngày 6/5/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2015/NĐ-CP quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (ngày 1/7/2015), Chính phủ yêu cầu các địa phương phải hoàn thành việc phê duyệt, công bố danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ và định kỳ 5 năm sẽ xem xét, điều chỉnh hoặc điều chỉnh khi cần thiết.

Hiện tại, Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn niêm yết công khai quyết định này tại trụ sở đơn vị. Bên cạnh đó, Sở TN&MT yêu cầu các địa phương phải thông báo, tuyên truyền để nhân dân được biết và không lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước. Các địa phương khai thác, sử dụng nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước, không được phép xây mới các bệnh viện, cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm, nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, cơ sở sản xuất hóa chất độc hại... trong hành lang bảo vệ nguồn nước.

Cũng theo bà Trương Thị Đạm Tuyết, kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thủy lợi do các tổ chức quản lý, vận hành các hồ chứa bảo đảm thực hiện. Kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông suối, hồ tự nhiên... do ngân sách nhà nước bảo đảm. Sở TN&MT đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan tổ chức cắm mốc theo lộ trình.

Việc xây dựng danh mục các công trình, hồ đập, sông suối để cắm mốc hành lang là khung pháp lý quan trọng để bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, để khung pháp lý này phát huy được vai trò phụ thuộc chính vào ý thức bảo vệ của nhân dân sinh sống tại những khu vực đó. Vậy nên trong thời gian tới, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện cắm mốc và quản lý chặt các nguồn xả thải ra sông, hồ... để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước như chính bảo vệ môi trường và sức khỏe của mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Lá chắn” trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO