Nhiều địa phương, nhân dân còn lơ là trong phòng, chống thiên tai

Hồng Thoan| 27/06/2017 10:01

Đắk Nông là tỉnh không thuộc vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai của cả nước. Trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan những năm gần đây cho thấy thiên tai đang ngày một ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, tính mạng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc trang bị, nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân về phòng chống thiên tai là hết sức cần thiết.

ADQuảng cáo

Năm 2017, thời tiết được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, mùa mưa lũ có nhiều bất thường hơn so với mọi năm. Cụ thể, thời gian bắt đầu mùa lũ sẽ sớm khoảng 1 tháng so với mọi năm, thời gian kết thúc không đồng nhất. Số lũ dự đoán từ 4-6 trận vào tháng 9,10. Đỉnh lũ trên một số sông suối lớn cao hơn so với trung bình nhiều năm. Vì vậy, các sông suối nhỏ rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Không chỉ dự báo của năm nay, thực tế thiên tai xảy ra trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh đang theo xu hướng tần suất dày hơn, mức độ thiệt hại lớn hơn. Thế nhưng từ chính quyền các cấp, ngành đến người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống.

Năm 2016, huyện Krông Nô có gần 600 ha hoa màu bị thiệt hại do lũ

Trước hết, nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức. Chỉ đơn cử, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác  PCTT & TKCN) năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Đây là cuộc họp có tầm quan trọng không chỉ để đánh giá, rút kinh nghiệm năm 2016, đề ra phương án tối ưu cho công tác PCTT & TKCN năm nay. Thế nhưng, mặc dù đã có mời lãnh đạo tất cả các huyện, thị xã, ngành liên quan, nhưng lãnh đạo nhiều địa phương, đơn vị viện những lý do khác nhau để được vắng mặt. Không tham gia hội nghị. Do vậy, chắc chắn sự chỉ đạo, triển khai tại địa phương, đơn vị mình sẽ thiếu sự sâu sát, quyết liệt do không nắm rõ tinh thần, nội dung tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ.

ADQuảng cáo

Từ sự thiếu quan tâm, sâu sát nên công tác chuẩn bị nhân, vật lực sẵn sàng ứng phó cũng như tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho người dân ở nhiều địa phương cũng bị xem nhẹ. Việc thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” của các cấp, ngành trong tỉnh còn hình thức.  Trách nhiệm của các địa phương cao nhất là bảo đảm về chỉ huy, lực lượng, phương tiện. Trong đó, có thể nói khi thiên tai, tai nạn xảy ra phải có phương tiện đầy đủ, hiện đại để ứng cứu nhưng hiện nay các loại phương tiện như ca nô, thuyền máy không đủ về số lượng, công suất nhỏ nên gây không ít khó khăn cho công tác cứu hộ. Các ngành như Điện lực, Công thương, Y tế phải là những "đầu tàu" trong chuẩn bị vật tư. Hàng năm, các đơn vị phải có kế hoạch bố trí phương án dự phòng, dự trữ vật tư, lương thực rõ ràng với số lượng, chủng loại, địa chỉ lưu trữ nhưng xem ra hoạt động này ở Đắk Nông vẫn còn kiểu chung chung. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả là khi có thiên tai xảy ra, việc triển khai ứng phó, khắc phục rất lúng túng.

Về phía người dân nhiều nơi cũng đang lơ là với phòng, chống thiên tai. Krông Nô trước đây là vùng thường hay xảy ra lũ lụt, nhưng khoảng 5 năm nay ít xảy ra hơn do có sự điều tiết của các công trình thủy điện ở thượng nguồn. Vì vậy, bản thân người dân cũng dần dần "quên" đi những phương án ứng phó. Khi có thiên tai xảy ra, họ rơi vào thế bị động nên nguy cơ thiệt hại về người, tài sản lớn hơn. Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết trong đợt lũ năm 2016, khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường, nước sông Krông Nô lên nhanh, một số người khu vực ngập lụt cao, có nguy cơ bị cô lập. Trước tình hình này, Công ty đã chủ động phối hợp với lực lượng quân đội, địa phương đến vận động di dời. Tuy nhiên một số người dân hết sức chủ quan, không chấp hành mà vẫn "bám trụ" giữa vùng rốn lũ. Qua đây phần nào cho thấy rằng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân vẫn chưa được chính quyền địa phương triển khai sâu rộng, chưa thường xuyên”.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác PCTT& TKCN, đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh đã thẳng thắn phê bình: “Tôi đề nghị Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh ghi vào văn bản cuộc họp những lãnh đạo các địa phương, ngành vắng mặt, nhất là những người trong thành viên của Ban. Tôi sẽ coi đây là một tiêu chí để xét việc hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên trong Ban gắn với công tác thi đua, khen thưởng cuối năm. Bởi khi không quán triệt đúng tinh thần chủ trương chung của tỉnh thì làm sao mà triển khai đạt hiệu quả tốt nhất". Ngoài việc chấn chỉnh tinh thần, thái độ của những cán bộ liên quan, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác PCTT-TKCN. Nhiệm vụ trước mắt là cần rà soát lại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt cao, khả năng ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân để có những biện pháp xử lý kịp thời, di dời nếu cần thiết. Đối với cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy cần tổng hợp các ý kiến đề xuất để báo cáo UBND tỉnh, nhất là vấn đề mua sắm vật tư, phương tiện hiện đại, đáp ứng yêu cầu về cứu hộ, cứu nạn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều địa phương, nhân dân còn lơ là trong phòng, chống thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO