Nhiều hoạt động cụ thể, bảo vệ môi trường bền vững

Lê Phước| 05/06/2018 10:10

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phát động, năm nay, Đắk Nông tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Trong đó, tỉnh tập trung giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách và hướng mục tiêu bảo vệ môi trường sống ngay từ khu vực nông thôn.

ADQuảng cáo

Phần lớn các bãi xử lý rác thải tập trung trên địa bàn tỉnh đều chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường (Trong ảnh: Xử lý rác thải thủ công tại bãi rác thải tập trung huyện Chư Jút)

Giảm nhiệt các “điểm nóng”

Với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm nay phát đi thông điệp kêu gọi cộng đồng cân nhắc cách thay đổi cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm do chất thải tới môi trường tự nhiên, động vật hoang dã và sức khỏe con người. Để hưởng ứng và khuyến khích cộng đồng bảo vệ môi trường, từ tháng 5 đến hết tháng 7/2018, Bộ TN&MT phát động “Tháng hành động vì môi trường” trên phạm vi cả nước.

Ngay sau khi Bộ TN&MT phát động, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động “Tháng hành động vì môi trường”, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6/2018) trên địa bàn tỉnh. Mục đích của kế hoạch là phát động toàn xã hội tham gia phong trào bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Hạ tầng thiếu, yếu đang khiến cho các bãi rác “quá tải” (Trong ảnh: Lò đốt rác thải tại bãi rác huyện Chư Jút chỉ xử lý được khoảng 20% lượng rác thải được thu gom về đây mỗi ngày)

Theo ông Ngô Chí Trung, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), so với năm trước, năm nay tỉnh Đắk Nông triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm huy động sự tham gia rộng rãi của cả hệ thống chính trị, tổ chức cộng đồng và mọi người dân chung tay bảo vệ môi trường. Cụ thể là tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, huy động tối đa nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải và phế liệu. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động, phong trào, chương trình hành động bảo vệ môi trường tại các địa phương, đơn vị nhằm góp phần giải quyết những vấn đề môi trường bức xúc, “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường.

ADQuảng cáo

Trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về môi trường, giải quyết những vấn đề môi trường cấp bách, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 13/1/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể hơn, tỉnh sẽ triển khai các nội dung trọng tâm như: Khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên môi trường; triển khai các giải pháp cụ thể trong quản lý, xử lý chất thải và phế liệu; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có các hành vi xâm hại tới môi trường…

Mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ nhưng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở TN&MT, việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài thị xã Gia Nghĩa, bãi xử lý rác thải tập trung tại 7 huyện còn lại đều nằm trong danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hạ tầng, máy móc xử lý rác thải không đáp ứng được yêu cầu khiến cho các bãi rác “quá tải”, trở thành những “gánh nặng” môi trường ở khu vực nông thôn.

Tập trung bảo vệ môi trường nông thôn

Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, thời gian qua, UBND các huyện, thị xã đã hỗ trợ các đơn vị hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt thông qua các hoạt động hỗ trợ kinh phí mua xe vận chuyển, dụng cụ thiết bị thu gom chất thải rắn. Các cấp, các ngành đã quan tâm hơn tới việc đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng các bãi chôn lấp và xây dựng mô hình bể thu gom bao bì, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trên nương rẫy, đồng ruộng. Nhờ khéo léo lồng ghép trong khuôn khổ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các địa phương đã tập trung nguồn lực xây dựng để một số xã như: Đắk Wer, Đạo Nghĩa, Nhân Cơ (Đắk R’lấp), Nam Dong (Chư Jút)… hoàn thiện các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường, đạt các tiêu chí về môi trường nông thôn để được công nhận xã NTM.

Trước thực trạng 7 bãi rác tại 7 huyện còn nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 dự án xây dựng bãi chôn lấp rác thải mới tại huyện Đắk Mil, Krông Nô và Đắk R’lấp với tổng kinh phí 184 tỷ đồng. Đối với 4 bãi rác còn lại, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, đề xuất thêm kinh phí thực hiện xử lý triệt để. Lộ trình của Đắk Nông là đến năm 2020, cả 7 bãi xử lý rác thải tập trung trên địa bàn đều được đầu tư, nâng cấp và “thoát” ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc vứt rác bừa bãi đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nông thôn (Trong ảnh: Người dân vứt rác bừa bãi tại bãi rác tạm xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức)

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, trong số các mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường, tỉnh khuyến khích cộng đồng thải bỏ chất thải nhựa, hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn nhằm tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Để làm được điều này, ngoài việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, ngành TN&MT sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương lồng ghép các nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao hơn ý thức, trách nhiệm của từng cá nhân và cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Đây sẽ là tiền đề để hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều hoạt động cụ thể, bảo vệ môi trường bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO