Những chuyển biến trong bảo vệ môi trường ở Nâm N’Jang

Lê Dung| 28/10/2015 09:09

Theo ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, trước đây, nhận thức của người dân trên địa bàn về vấn đề bảo vệ môi trường chưa cao nên tình trạng vứt rác bừa bãi dọc đường, xung quanh nhà vẫn còn phổ biến.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ gia đình chăn nuôi heo, bò cũng chưa biết cách xử lý chất thải nên gây ô nhiễm lớn trong các khu dân cư. Các bao bì, chai lọ phân bón, thuốc trừ sâu sau khi sử dụng cũng ít được bà con thu gom, xử lý. Nhiều nơi, đường làng, ngõ xóm không thường xuyên được phát dọn nên cây cỏ mọc um tùm, chắn hết lối đi…

Tuy nhiên, từ khi được xã phát động đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn thì nhận thức và hành động của đại đa số người dân đã có sự chuyển biến tích cực.

Người dân đã có thói quen bỏ rác vào thùng

Đường vào xã Nâm N’Jang bây giờ đã thoáng, đẹp hơn trước rất nhiều. Năm vừa rồi, xã cũng đã được huyện hỗ trợ trồng nhiều cây sao dọc theo tuyến đường vào trụ sở UBND, đang đà xanh tốt. Ở mỗi địa điểm công cộng như trường học, chợ, UBND xã đã xuất hiện các thùng đựng rác tập trung…

ADQuảng cáo

Có được những kết quả trên là nhờ vừa qua, xã đã đồng ý cho ông Hoàng An, Trưởng Ban quản lý chợ xã đứng ra làm dịch vụ công về thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn. Trước đó, xã cũng đã quy hoạch và bố trí một bãi xử lý rác thải từ quỹ đất công ích ở thôn 4, có độ sâu hơn 6m, chiều dài gần 40m, chiều rộng 20m, với tổng trị giá là 730 triệu đồng. Trong đó, huyện đã hỗ trợ 530 triệu đồng, còn lại là do dân tự đóng góp. Hiện tại, cứ 2 ngày, tổ thu gom lại tổ chức thu gom rác một lần tại địa bàn tất cả các thôn, bon trong xã.

Ông Hoàng An, Trưởng Ban quản lý chợ cho biết: Qua quá trình thu gom rác, chúng tôi nhận thấy, ý thức của người dân đã dần được thay đổi. Hầu hết các rác thải đều được các gia đình đóng sẵn vào túi ni lông hoặc các thùng đựng rác để trước cửa nhà. Tổ thu gom chỉ việc chất lên xe. Đặc biệt là ở khu vực chợ, nhờ được tuyên truyền thường xuyên nên tình trạng “bạ đâu vứt rác đấy” của các tiểu thương và người tiêu dùng đã không còn nữa…

Được biết, để nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn, tháng 7 vừa rồi, Hội đồng nhân dân xã cũng đã ra Nghị quyết về thu quỹ bảo vệ môi trường đối với tất cả các hộ dân. Theo đó, đối với các thôn như 9, 10, 11, Bong Ring và bản Lép, mỗi hộ 50.000 đồng/năm. Các thôn còn lại thì 100 nghìn đồng/hộ/năm. Những hộ nghèo neo đơn, người già neo đơn sống độc thân được xã miễn thu phí hoàn toàn.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Nga, người dân thôn 10 thì rác thải của gia đình chủ yếu là từ sinh hoạt, buôn bán. Trước đây, gia đình chị thường gom lại, rồi đốt sau nhà, có khi để đấy, lâu ngày mới xử lý một lần nên không tránh khỏi việc vương vãi hoặc rác bay khắp nơi. Đặc biệt, khi trời mưa xuống, do rác ẩm, không thể đốt được nên thường bốc mùi hôi thối khó chịu. Từ khi có dịch vụ thu gom, mọi người trong gia đình đã có ý thức hơn về việc giữ gìn vệ sinh chung; đồng thời, biết phân loại rác ngay tại nhà và gom lại cẩn thận.

Cũng theo ông Tầm thì trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chức năng kiểm soát tốt việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dùng trong nông nghiệp. Xã cũng sẽ hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, nhất là các biện pháp thu gom, xử lý đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại. Những hộ gia đình nào chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, xã sẽ có biện pháp tuyên truyền và xử lý kịp thời...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những chuyển biến trong bảo vệ môi trường ở Nâm N’Jang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO