Quản lý khai thác khoáng sản còn thiếu chặt chẽ

Lê Phước| 26/12/2016 11:00

Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới công tác quản lý tài nguyên nói chung. Trong khi công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương vẫn còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều mỏ khoáng sản chưa được cấp phép vẫn liên tục bị xâm hại.

ADQuảng cáo

Tình trạng khai thác đá trái phép tại thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm

Vào ngày 29/11 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác tại mỏ đá Đô Ry, ở xã Đắk R’la (Đắk Mil) của Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Đắk Lắk. Nguyên nhân đơn vị này bị thu hồi giấy phép là do quá thời hạn 12 tháng từ thời điểm được cấp phép (tháng 7/2015) mà không triển khai xây dựng cơ bản để đưa mỏ vào hoạt động. Đây chỉ là 1 trong 3 doanh nghiệp bị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản trong năm 2016.

Đến nay, UBND tỉnh đã cấp 42 giấy phép khai thác khoáng sản (chủ yếu là đá, cát xây dựng và một số kim loại thông thường) trên địa bàn cho 38 doanh nghiệp. Ngoài 3 đơn vị bị thu hồi giấy phép, vào tháng 7/2016, UBND tỉnh cũng tước giấy phép từ 4 - 6 tháng đối với 12 đơn vị do nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Đáng lưu ý là thời gian qua, mặc dù một số khu vực có nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được UBND tỉnh cấp phép nhưng việc khai thác, vận chuyển khoáng sản đi các tỉnh, thành phố khác tiêu thụ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước của các địa phương vẫn còn lỏng lẻo dẫn tới việc tài nguyên khoáng sản bị xâm hại.

ADQuảng cáo

Tiêu biểu như mỏ đá ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) nằm ngay trong quần thể du lịch thác Cột Đá và mỏ đá ở thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) thường xuyên bị khai thác trái phép gây bức xúc đối với người dân địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết: Ngay từ thời điểm người dân phát hiện, báo cáo cho xã về tình trạng khai thác đá trái phép tại thôn Đắk Tân (tháng 4/2016), xã đã báo lên cấp trên và cùng phối hợp để kiểm tra. Tình trạng khai thác đã lắng xuống sau đó nhưng đến tháng 8 và tháng 9/2016 lại bùng phát trở lại. Chúng tôi đã kịp thời báo cáo lên UBND thị xã Gia Nghĩa và nhiều lần cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra nhưng dường như có sự “báo trước” nên không lần nào bắt quả tang được các đối tượng khai thác đá trái phép tại hiện trường. Vấn đề quản lý hiện nay thực sự đang gây khó khăn cho chính quyền xã.

Theo luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo gần đây của UBND tỉnh, chính quyền các địa phương phải tăng cường công tác quản lý, chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ tài nguyên khoáng sản thuộc địa bàn mình quản lý. Trong trường hợp không kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại tài nguyên khoáng sản thì các đơn vị phải chịu trách nhiệm và bị xử lý.

Vừa qua, UBND thị xã Gia Nghĩa cũng đã có văn bản phê bình Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã và Chủ tịch UBND xã Đắk Nia vì để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép tại mỏ đá thôn Đắk Tân trong một thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay: “Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại các giấy phép khoáng sản đã cấp để kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Riêng các địa phương để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép nhưng không có biện pháp ngăn chặn, chúng tôi cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý khai thác khoáng sản còn thiếu chặt chẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO