Quản lý, khai thác nguồn nước ngầm: Cảnh báo từ việc mạnh ai nấy làm (Kỳ 1): Hạn giữa mùa mưa

Hà An| 17/11/2016 16:09

Do diện tích cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu những năm trở lại đây tăng mạnh, trong đó có nhiều vùng, địa phương không có điều kiện phù hợp để phát triển các loại cây này đã dẫn đến tình trạng khai thác nguồn nước ngầm tràn lan, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Việc này được cảnh báo ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước ngầm, gây tụt giảm, ô nhiễm nguồn nước... nếu ngay từ bây giờ không có biện pháp quản lý hiệu quả.

ADQuảng cáo

Hiện nay đang là cao điểm của mùa mưa, nhưng nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Chư Jút vẫn phải “chống hạn” bằng việc khoan giếng tìm kiếm nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nỗi lo thiếu nước vẫn đang trở thành gánh nặng canh cánh của người nông dân khi mà hàng loạt mũi khoan xuống đất chỉ trơ toàn đá, không có lấy một giọt nước.

Không chỉ khan hiếm nguồn nước phục vụ sản xuất, nhiều khu vực trong tỉnh đang rơi vào tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt do tầng nước cạn đã bị ô nhiễm và cạn kiệt

Từ UBND xã Nam Dong, chúng tôi được người dân địa phương dẫn đi xem thực tế hoạt động khoan giếng chống hạn trên địa bàn huyện Chư Jút. Mới 2 giờ chiều nhưng bầu trời đã đen kịt, sắp có cơn mưa ập đến. Người dẫn đường nhắc khéo: Đi mau kẻo mưa xuống thì khổ. Rõ là mới nghe thì cũng thấy có điều gì hơi vô lý. Bởi ở đất Tây Nguyên này, nếu gọi là chống hạn thì phải là mùa khô, đằng này người dân lại lo chống hạn trong mùa mưa...

“Đánh bạc”… với trời

Hộ đầu tiên chúng tôi đến tìm hiểu là gia đình ông Nguyễn Văn Doanh, thôn 12, xã Nam Dong (Chư Jút) bởi ông được xem là “vua giếng”. Nói là “vua giếng” vì chỉ trong vòng vài năm nay, ông Doanh đã thuê người khoan tới 22 cái giếng nhưng chưa một giếng nào có nước hoặc có thì cũng được thời gian đầu, sau đó  lại khô không khốc.

Cái giếng thứ 22 mới được gia đình ông khoan ngay trước sân nhà cách đây khoảng 15 ngày nhưng cũng không có nước. Được biết, sắp tới, ông tiếp tục khoan thêm vài “nhát” nữa những mong nhờ trời gặp nước, nếu không diện tích hồ tiêu đang cho thu hoạch mùa khô này sẽ không có nước tưới.

Sau nhà ông Doanh là hộ ông Hồ Đức Hải, cũng ở thôn 12, mặc dù chỉ với hơn 1 ha đất rẫy trồng hồ tiêu năm thứ 2 nhưng ông đã phải bỏ ra gần một trăm triệu đồng để khoan 9 cái giếng. 8 cái giếng được ông Hải khoan trên diện tích đất của gia đình nhưng chỉ được một giếng có nước vào mùa mưa, còn đến đầu mùa khô là hết nước. Để bảo đảm nước tưới, ông Hải đành phải mượn đất của hộ kế bên khoan thêm một cái nữa, may mà cái giếng này có nước tạm đủ sử dụng.

Khi hỏi vì sao khó khăn về nước như vậy mà vẫn quyết tâm khoan giếng thì ông Hải phân trần: “Tôi đành “đánh bạc với trời” thôi chú ạ! Hồ tiêu đã đầu tư gần cho thu hoạch, xung quanh không có hồ đập, không đào giếng thì chỉ có nước chết”. 

Anh Hồ Đức Hải, thôn 12, xã Nam Dong (Chư Jút) cho biết về cái giếng khoan thứ 8 trên rẫy của gia đình mình

Còn hộ anh Vi Văn Phiên, ở thôn 7, xã Nam Dong thì chỉ với 3 sào rẫy cạnh nhà nhưng tính cả cái giếng gia đình vừa khoan xong là giếng thứ 5 mới có nước để phục vụ sinh hoạt và tưới cho cây trồng. Thế nhưng, anh Phiên còn là trường hợp may mắn.

ADQuảng cáo

Sát ngay nhà anh Phiên là nhà chị Bùi Thị Quy sản xuất 3 sào hồ tiêu đã đầu tư hơn 110 triệu đồng cho việc khoan và đào giếng. Tuy nhiên, cả 4 cái giếng khoan và đào đều không tìm đúng mạch nước mà toàn là những cục đá đen hình trụ nhẵn thín.

Bất lực và cạn vốn đầu tư nên chị Quy đành dừng lại, không thuê máy khoan thêm nữa. Đem thắc mắc vì sao lại chọn thời điểm khoan giếng ngay giữa mùa mưa mà không phải là mùa khô, câu trả lời của người dân rất đơn giản: “Hết nước thì phải khoan, kể gì mùa mưa hay mùa khô”.

Cứ cho là việc khoan hàng trăm mét xuống lòng đất để tìm nguồn nước cũng không khác gì “đánh bạc với trời”, may ăn rủi chịu, thế nhưng, liệu “ông trời” có tham gia “canh bạc” này không, hay chính người dân đang tự “đánh bạc” với chính mình khi mà cả một vùng đồi núi không có hồ đập, người dân  lại ồ ạt chuyển từ trồng màu sang trồng hồ tiêu. Để rồi, mũi khoan này có nước, đâu đó có những giếng khoan khác tụt mạch, không còn giọt nước nào?

Vô tư chuyện khoan… lấp

Khi đã “no” mắt với cảnh khoan giếng ngay giữa mùa mưa, chúng tôi quyết định dừng chuyến hành trình để được nghe người dân kể chuyện khoan giếng. Lúc đầu, khi hỏi nhà anh, chị đã khoan mấy cái giếng rồi, nhiều người dân ngần ngại vì sợ "nhà báo phạt”. Tuy nhiên, sau một hồi giải thích, câu chuyện khoan, lấp giếng đã thực sự làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Ngạc nhiên bởi vì để tìm kiếm nguồn nước, số lượng mũi khoan hằng ngày xuyên xuống lòng đất là nhiều vô kể. Chỉ tính riêng thôn 12, xã Nam Dong với khoảng 200 hộ dân nhưng theo như người dân thì khu vực này đã có gần 1.000 mũi khoan, cái cạn cũng vài ba chục mét, còn cái sâu lên đến trên trăm mét xuyên xuống lòng đất. Theo lời người dân thì khu vực này nhiều nhà giếng đang tràn trề nước nhưng khi một nhà gần đó khoan giếng thành công là giếng kia bị hết nước ngay. 

Ông Nịnh Văn Căn, cán bộ khuyến nông thôn 12 kể: “Vừa rồi, gia đình ông Bóng gần nhà tôi khoan được giếng thì giếng nhà kế bên hết nước. Khi nhà kế bên khoan tiếp giếng khác thì giếng nhà tôi lại hết nước”. 

Còn  nhà ông Đặng Xuân Huỳnh trước đây khoan được cái giếng dùng không bao giờ hết nước. Vừa rồi, ông đầu tư mua máy lọc nước về để tính chuyện kinh doanh nước sạch. Thế nhưng kế hoạch chưa kịp thực hiện thì bỗng dưng giếng lại tụt nước không còn tý nào. Ông Huỳnh tiến hành khoan thêm 3 mũi khoan nhưng hiện vẫn chưa mũi nào có nước.

Cứ giếng hết nước lại phải khoan, khoan mũi này không có nước, người dân lại chôn lấp qua loa rồi khoan mũi khác. Để rồi, cả vùng đất đen xám khu vực thôn 12 như bị “băm nát” bởi những mũi khoan với độ sâu đến cả trăm mét.

Khi hỏi người dân là khoan giếng vậy thì chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng có “hỏi thăm” hay không. Câu trả lời là “Hơi đâu mà họ quan tâm bởi chuyện đào, lấp giếng ở đây diễn ra hằng ngày, ai cũng đào chứ có phải một vài hộ đâu mà phạt. Vả lại, có phạt thì trước tiên phải phạt người khoan giếng, bởi họ làm dịch vụ, khoan giếng để lấy tiền, còn người dân chúng tôi thì lấy nước để kiếm ra tiền phục vụ cuộc sống”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, khai thác nguồn nước ngầm: Cảnh báo từ việc mạnh ai nấy làm (Kỳ 1): Hạn giữa mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO