Quản lý, khai thác nguồn nước ngầm: Cảnh báo từ việc mạnh ai nấy làm (Kỳ 2): “Nở rộ” dịch vụ khoan giếng

Hà An| 21/11/2016 15:11

Từ nhu cầu khoan giếng phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân tăng cao, vài năm trở lại đây, nhiều hộ dân đã nắm bắt thời cơ đầu tư giàn khoan để làm dịch vụ. Điều đáng nói là đa phần các giàn khoan trên địa bàn đang hoạt động theo dạng tự phát, thiếu sự kiểm soát, quản lý từ phía các cơ quan nhà nước.

ADQuảng cáo

Nếu nói về số lượng giàn khoan giếng hiện nay thì chắc chắn, Nam Dong (Chư Jút) thuộc xã tốp đầu toàn tỉnh Đắk Nông. Theo các hộ dân nơi đây, nếu tính sơ thì toàn xã có khoảng 80 giàn khoan được người dân đầu tư để khoan giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Trong số đó có hộ đầu tư 2 đến 3 giàn khoan để làm dịch vụ. Một số hộ sắm giàn khoan chủ yếu để khoan giếng cho gia đình, lúc rảnh rỗi ai thuê thì làm theo dạng bán chuyên nghiệp.

Những thợ khoan… “tay ngang”

Anh Phạm Văn Đại, thôn 14, xã Nam Dong (Chư Jút), người đã có 16 năm làm nghề khoan giếng hiện đang có 3 giàn khoan, chủ yếu khoan giếng cho người dân các xã khác trong huyện Chư Jút như: Đắk D’rông, Trúc Sơn, Đắk Wil… còn địa bàn xã Nam Dong vài năm gần đây ít hoạt động vì quá nhiều giàn khoan.

Không kể mùa mưa hay mùa khô, 3 giàn khoan của anh Đại mỗi tháng bình quân khoan được 2 giếng. Trước đây, khi khoan giếng còn thuận lợi thì hình thức khoan tùy thuộc thỏa thuận như khoán trọn gói, có nước bơm vài ngày không hết mới lấy tiền hoặc khoán mét. Tuy nhiên, gần đây, tỷ lệ mũi khoan có nước rất thấp nên anh chuyển sang khoan tính theo mét sâu lấy tiền, tức đến đâu lấy tiền đến đó, có nước hay không người thuê tự chịu.

Một trong 3 dàn khoan do anh Phạm Văn Đại, xã Nam Dong (Chư Jút) quản lý đang hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm để khoan giếng cho người dân

Khi được hỏi về chứng chỉ hành nghề, anh Đại khoe: “Tôi vừa học xong khóa tập huấn về khoan giếng ở Đắk Lắk và được cấp chứng chỉ hẳn hoi. Sắp tới, tôi tính sẽ làm thủ tục để xin cấp giấy phép kinh doanh và giấy phép hành nghề chứ hoạt động “tay ngang” như bấy lâu xem ra không còn phù hợp. Bởi vì cách đây không lâu, tôi có người quen ở Đắk Lắk gọi lên khoan giếng cho một số hộ dân nhưng hoạt động chưa được bao lâu thì đã bị chính quyền gọi lên hỏi giấy tờ. Vì không có giấy tờ nên tôi phải nộp phạt và rút máy về Đắk Nông”.

Cũng theo anh Đại thì ở Nam Dong mang tiếng là nhiều giàn khoan nhưng mới chỉ có khoảng 4 người tham gia tập huấn nghiệp vụ khoan giếng nhưng hầu như chưa ai có giấy phép kinh doanh và chứng chỉ hành nghề.

Anh N.T.N, ở thôn 10, xã Nam Dong (xin được không nêu tên) cho biết: “Cách đây 2 năm, khi kêu thợ khoan giếng cho nhà mình nhưng thấy khó khăn, giá cả lại không phù hợp nên tôi rủ thêm một người hàng xóm mua máy khoan về tự phục vụ cho gia đình. Từ khi có máy khoan, xung quanh ai có nhu cầu thì khoan lấy tiền chứ không đưa máy đi xa nên không cần giấy phép gì hết”.

ADQuảng cáo

Trong khi đó, hiện nay, rất nhiều chủ khoan giếng đã không ngần ngại đầu tư giàn khoan có thể khoan sâu tới 150 m. Chưa kể đến, quá trình khoan giếng, khoảng cách giữa các mũi khoan cũng được quy định cụ thể để tránh tình trạng sụt lún, sự xâm lấn các tầng nước do chênh lệch về độ nông, sâu của các mũi khoan.

Thực tế trên cho thấy, không giấy phép, không kỹ thuật, không có sự giám sát chặt chẽ từ phía các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng, các thợ khoan “tay ngang” cứ thế “mặc sức tung hoành” mà ngay cả bản thân họ cũng chưa chắc đã hiểu hết những hệ lụy từ chính mũi khoan mà họ đã dùi sâu xuống lòng đất.

Thả nổi từ … “A đến Z”

Theo các chuyên gia về nước ngầm thì quá trình khoan nước dưới đất phải tuân thủ những quy trình nghiêm ngặt như quan trắc, khảo sát, sắp xếp lớp đất, đá theo đúng thứ tự khi khoan để đo tầng nước, độ nông sâu của nước và tầng cách nước. Riêng công đoạn sắp xếp vỉa khoan hết sức quan trọng trong việc xác định độ sâu để đặt máy bơm, tầng nước phù hợp cho khai thác đối với công suất, nhu cầu của từng công trình. Hơn thế, đối với những mũi khoan không khai thác, dựa trên vỉa khoan để xác định vị trí trám lấp đúng kỹ thuật, tránh tình trạng rò rỉ tầng nước dẫn đến tụt các mạch nước ngầm và ô nhiễm từ nước mặt xuống nước ngầm khi mũi khoan rút lên.

Tuy nhiên, nguyên tắc là vậy nhưng qua thực tế khảo sát hoạt động khoan giếng khai thác nước ngầm thời gian qua, vỉa khoan không mấy ai sắp xếp mà tùy tiện vứt bỏ những nơi mà người thuê yêu cầu. Khi mũi khoan không có nước, người dân cũng chỉ lấp qua loa bề mặt chứ không quan tâm về mặt kỹ thuật. Điều này khá rõ khi hỏi người dân về sự hiểu biết các tầng nước ngầm dưới đất, sự nguy hại các chất như thuốc bảo vệ thực vật, đất xốp mặt ngấm xuống nước ngầm hay không, thì nhiều người dân trả lời một cách gọn lỏn “không biết” hoặc người biết thì trả lời “hơi đâu mà lấp kỳ công như vậy”.

Chưa bàn đến ý thức người dân, để tình trạng trên diễn ra khá phổ biến hiện nay rõ ràng là trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong việc quản lý hoạt động khai thác nước ngầm, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bởi căn cứ Điều 8, Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản và quy định về hành nghề khoan nước dưới đất đã nêu rõ từng nội dung trong quản lý, xử lý.

Chế tài đã có, nhưng phải chăng chúng ta chưa quyết liệt triển khai để rồi hoạt động khoan giếng khai thác nước ngầm hiện nay gần như đang bị “thả nổi” ở các công đoạn như tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ, cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh; quan trắc, quy hoạch trữ lượng nguồn nước ngầm; thiết kế công trình giếng khoan… ?

Kết quả kiểm tra đối với 80 tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn huyện Chư Jút mới đây do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Jút chủ trì cho thấy, đa số các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất đều tự phát và mang tính chất cầm chừng, phục vụ cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của hộ gia đình tại địa phương là chủ yếu.

Hầu hết các tổ chức, cá nhân hành nghề khoan nước dưới đất đều chưa được tham gia khóa đào tạo, tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, chưa có giấy phép hành nghề hay các giấy tờ, thủ tục liên quan theo quy định.  

Điều 8 Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định về Vi phạm quy định về hành nghề khoan nước dưới đất như sau:

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm về khoan nước dưới đất theo quy định của Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Thi công giếng khoan không theo đúng quy trình, thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt gây ảnh hưởng tới số lượng và chất lượng nước dưới đất; Thực hiện hành nghề không đúng quy mô đã quy định trong Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất; Thi công khoan thăm dò, khoan khai thác nước dưới đất cho tổ chức, cá nhân không có Giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất theo quy định.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Cho mượn, cho thuê giấy phép để hành nghề khoan nước dưới đất; Hành nghề khoan nước dưới đất mà không có Giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất theo quy định của pháp luật; Hành nghề khoan nước dưới đất khi giấy phép đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ xin gia hạn theo quy định và một số hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục hậu quả sau vi phạm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, khai thác nguồn nước ngầm: Cảnh báo từ việc mạnh ai nấy làm (Kỳ 2): “Nở rộ” dịch vụ khoan giếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO