Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản: Còn nhiều bất cập

Lê Dung| 04/05/2015 14:01

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 15/11/2010 của Tỉnh ủy về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

ADQuảng cáo

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, để việc quản lý khoáng sản ngày một tốt hơn, trong thời gian qua, đơn vị đã tích cực phối hợp với Sở Công thương trong việc khoanh định các khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản của tỉnh, giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020.

Cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra hiện trạng các mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại huyện Đắk Song

Đến nay, đơn vị cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp được 48 giấy phép thăm dò với 4 loại khoáng sản chủ yếu, bao gồm: Đá bazan làm vật liệu xây dựng, cát, sét gạch ngói, than bùn, đạt 45% so với quy hoạch khoáng sản giai đoạn đến năm 2015. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cũng được tỉnh quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã có 33 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng và than bùn được cấp phép…

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại không chỉ về nguồn nhân lực, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, mà còn cả về nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác quản lý khoáng sản nhưng do công tác điều tra, đánh giá và lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1: 50.000 chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm khoáng sản là quặng bô xít và quặng sắt laterit, còn các khoáng sản khác lại chưa được quan tâm.

Trong khi đó, nguồn tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản lại hạn chế cộng với đội ngũ cán bộ khoáng sản còn mỏng nên cũng đã gây nhiều trở ngại cho công tác quản lý. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý khoáng sản ở cấp huyện, thị xã bố trí kiêm nhiệm như cán bộ địa chính huyện, xã kiêm nhiệm về lĩnh vực khoáng sản, môi trường nên chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao.

ADQuảng cáo

Công tác thanh, kiểm tra tuy đã được tiến hành thường xuyên hàng năm và có các biện pháp xử lý vi phạm, nhưng việc giám sát thi hành có lúc chưa thật sát sao. Việc thanh, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cũng chưa thật sự kiên quyết, xử lý thiếu dứt điểm dẫn đến tình trạng này diễn ra phổ biến, kéo dài, nhất là với các khu vực như khai thác cát trên sông Krông Nô, khai thác vàng sa khoáng ở huyện Đắk Glong…

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước còn chậm, tình trạng nợ đọng thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thường xuyên kéo dài. Vấn đề bảo vệ môi trường cũng chưa được các đơn vị quan tâm trong quá trình khai thác, chế biến. Một số đơn vị khai thác khoáng sản đã hết hạn giấy phép khai thác nhưng không chủ động lập hồ sơ đóng, mở cửa và cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định…

Nguyên nhân của những tồn tại trên là vì khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh được phân bổ rộng. Trong khi đó, quy mô khai thác nhỏ, phân tán, lại chưa được điều tra, đánh giá cụ thể (chủ yếu do tự phát hiện) nên việc quản lý của cơ quan chức năng rất vất vả.

Mặt khác, các khu vực có khoáng sản khai thác trái phép lại đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, nằm trên đất quản lý của các công ty lâm nghiệp, các đơn vị trồng, quản lý và bảo vệ rừng, trong khi, trách nhiệm quản lý bảo vệ lâm phần cũng như trách nhiệm ngăn chặn, tố giác các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép của những đơn vị này rất hạn chế.

Cũng theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tuyên truyền, phổ biến tới các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư về luật Khoáng sản và các văn bản liên quan, đơn vị cũng sẽ tiếp tục cập nhật, tổng hợp, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn, giai doạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Đơn vị cũng sẽ phối hợp với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Ban Quản lý Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân trong việc xử lý kịp thời các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, phục vụ cho dự án khai thác, chế biến alumin và điện phân nhôm.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng sẽ tích cực phối hợp với các ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng các đặc điểm, địa hình, địa mạo của các hang động núi lửa tại khu vực núi lửa Chư B’luk (Krông Nô); đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng di tích phục vụ nghiên cứu khoa học, nhất là về đường giao thông tại khu vực hang động núi lửa với các tuyến đường giao thông huyết mạch phục vụ phát triển du lịch…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO