Quản lý tài nguyên nước còn nhiều hạn chế

Hồng Thoan thực hiện| 25/03/2015 09:37

Tài nguyên nước bao gồm nước mặt, nước dưới đất, nước mưa và nước biển. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả có vị trí, vai trò, ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của một địa phương, quốc gia. Nhưng thực tế, công tác này trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Xung quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

ADQuảng cáo

PV: Xin ông có thể cho biết hiện nay, tỉnh đã nắm được những số liệu cơ bản về nguồn tài nguyên nước hay chưa?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Thực tế đến nay, tỉnh vẫn chưa có được những số liệu cơ bản về tài nguyên nước. Nguyên nhân là do tỉnh chưa tiến hành việc lập quy hoạch, cũng như chưa có điều tra chính thức nào về trữ lượng, chất lượng nước. Những năm qua, việc quản lý của ngành cũng chỉ dựa vào những số liệu của một số cơ quan chuyên môn như Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các đoàn khảo sát địa chất. Qua đó, cơ quan chức năng của tỉnh có thể biết được rằng nguồn nước trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng sụt giảm, nhất là vào mùa khô, tại nhiều vùng, mực nước đo năm sau thường thấp hơn năm trước, nhất là tại địa bàn các huyện như Krông Nô, Chư Jút, Đắk Mil.

PV: Vậy, công tác cấp phép về khai thác, xả thải vào nguồn nước hiện nay ra sao thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Những năm qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân thực hiện. Tuy nhiên, việc cấp các loại giấy phép cũng chưa nhiều. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 41 cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép khai thác nước dưới đất, 6 đơn vị được cấp giấy phép khai thác nước mặt, 3 dự án được cấp phép xả thải vào nguồn nước và 9 dự án thủy điện có giấy phép khai thác nước mặt để phát điện. Tình trạng hành nghề khoan giếng, khai thác, xả thải không có giấy phép vẫn xảy ra.

Việc duy trì dòng chảy phía dưới các nhà máy thủy điện nhằm đảm bảo sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân vùng sau đập chưa được nhiều chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh quan tâm.

ADQuảng cáo

PV: Theo ông, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đã được phát huy chưa?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp chưa được phát huy hiệu quả, việc quản lý tài nguyên nước còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện nay Sở Tài nguyên-Môi trường đang xây dựng, trình lên UBND tỉnh bố trí kinh phí để tiến hành lập quy hoạch, điều tra cơ bản về địa chất, tài nguyên nước, đồng thời, xây dựng quy chế về quản lý, sử dụng bảo vệ tài nguyên nước giữa các cấp, ngành liên quan. Bởi hiện nay, trong trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn nước ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác này còn có Sở Nông nghiệp - PTNT đối với quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Hiện nay, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt vì những lý do khác nhau không được sử dụng hiệu quả, đã bị hư hỏng lâu ngày. Với các công trình thủy lợi thì đơn vị quản lý, khai thác vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hành lang nguồn nước, nhằm kịp thời bảo vệ nguồn nước và các giá trị gắn liền với nguồn nước trước tình trạng lấn chiếm đất ven các sông, hồ để xây dựng nhà, xưởng, hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác khoáng sản diễn ra ngày càng phổ biến, gây mất ổn định, sạt lở bờ, biến đổi cảnh quan, môi trường vùng ven nguồn nước, thay đổi hình thái lòng dẫn sông và vùng lòng hồ, cản trở sự lưu thông dòng chảy, gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, suy thoái hệ sinh thái thủy sinh và các loài động, thực vật tự nhiên vùng ven nguồn nước. Trách nhiệm của Sở Công thương trong quản lý các công trình khai thác nước phục vụ thủy điện, đôn đốc và theo dõi các dự án xây dựng và triển khai quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông và vai trò của UBND các cấp, trong quản lý hoạt động khoan giếng, trám lấp giếng khi không sử dụng…

PV: Để bảo vệ nguồn nước, ông có thể đưa ra một số giải pháp cụ thể mà các cấp, ngành, người dân cần đẩy mạnh triển khai?

Ông Nguyễn Văn Hiệp: Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, để bảo vệ tài nguyên nước, giữ gìn nguồn nước bền vững, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thường xuyên bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác. Người phát hiện hành vi gây tổn hại đến an toàn nguồn nước có trách nhiệm ngăn chặn và báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời xử lý. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải tuân thủ quy hoạch tài nguyên nước, nếu làm suy giảm chức năng của nguồn nước, gây sụt, lún đất, ô nhiễm nguồn nước phải có trách nhiệm khắc phục, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác nước dưới đất; thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; xử lý nền móng công trình và các hoạt động khoan, đào khác phải thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất, trám lấp giếng sau khi đã sử dụng xong; khai thác khoáng sản, xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước dưới đất. Việc quy hoạch đô thị, khu dân cư, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, làng nghề … phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phù hợp với quy mô xả nước thải, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trước khi trình phê duyệt.… Toàn tỉnh cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng rừng trồng, phủ xanh đồi núi trọc, phòng chống cháy rừng, phá rừng trái phép nhằm tạo “lớp áo” bảo vệ nguồn nước đầu nguồn…

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước còn nhiều hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO