Tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát, lãng phí

Nguyễn Hiền| 11/11/2019 10:31

Thống kê, Đắk Nông có trên 201 loại khoáng sản với trên 160 điểm và mỏ khoáng sản. Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, tạo ra nguồn nguyên vật liệu phục vụ các dự án công trình trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật, góp phần thu ngân sách... Tuy nhiên, hiện nay việc chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng thất thoát khoáng sản cũng như nguồn thu của tỉnh.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Khai thác khoáng sản chưa tương xứng với tiềm năng

Ngoài dự án khai thác quặng bô xít sản xuất alumin ở Nhân Cơ (Đắk R’lấp), qua thực tế giám sát của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cho thấy, hiệu quả mang lại của việc khai thác khoáng sản chưa tương xứng với tiềm năng vốn có.

Doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm

Qua giám sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản. Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, cơ quan chức năng đã triển khai hàng chục cuộc thanh, kiểm tra hoạt động khai thác, thăm dò khoáng sản. Qua đó, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử phạt hành chính trên 102 vụ vi phạm với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng, tịch thu nhiều phương tiện khai thác. Các loại khoáng sản thường bị khai thác trái phép như: vàng, cát, đá dạng cột...

Mỏ đá của Công ty TNHH Xây dựng Vượng Phát ở xã Quảng Trực (Tuy Đức) được cấp giấy phép khai thác đá xây dựng năm 2013 nhưng lại khai thác đá bazan

Vì không thuộc thẩm quyền nên hiện nay UBND tỉnh chưa cấp giấy phép khai thác đá bazan dạng cột. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong quá trình khai thác đá thông thường phát hiện có đá dạng cột nhưng không khai báo mà tự ý khai thác, thu hồi làm đá ốp lát, đá xây dựng (đá bazan dạng cột có giá 1,5 triệu đồng/m3, trong khi đá xây dựng chỉ có 160-180 ngàn đồng/m3).

Hầu hết các doanh nghiệp chưa chấp hành trong việc lắp đặt các trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, tài liệu liên quan. Từ đó, nhiều doanh nghiệp khai thác vượt trữ lượng, kê khai không đúng để tính thuế, làm thất thu nguồn ngân sách của Nhà nước.

Theo quy định, việc cải tạo phục hồi môi trường phải được thực hiện ngay trong quá trình khai thác. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp khai thác chưa thực hiện nghiêm túc việc cải tạo phục hồi. Qua giám sát, hiện nay mới chỉ có một khu vực đã đóng cửa mỏ cải tạo phục hồi môi trường tại xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) do Ban quản lý Dự án thủy điện Đồng Nai 5 trả giấy phép khai thác khoáng sản nhưng tiến độ thực hiện đang còn chậm do phát sinh kinh phí thực hiện.

Ngoài những nguyên nhân trên, thực tế cũng cho thấy, đa số doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực tài chính yếu, nguồn lực không bảo đảm xây dựng với quy mô lớn. Lực lượng lao động tại các mỏ khoáng sản chủ yếu là lao động phổ thông, tạm thời, chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm. Cán bộ quản lý kỹ thuật của các doanh nghiệp còn chắp vá, trình độ kỹ thuật chưa cao. Giám đốc điều hành mỏ thiếu tiêu chuẩn theo quy định. Thậm chí nhiều mỏ khai thác không có giám đốc mỏ trên công trường.

ADQuảng cáo

Công tác quy hoạch hạn chế

Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nhận định, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản chưa hiệu quả là do công tác quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản còn nhiều hạn chế. Theo đó, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa cập nhật đầy đủ các mỏ khoáng sản vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản của tỉnh. Các khu vực quy hoạch chỉ mang tính chất dự báo, chưa được điều tra đánh giá, khoanh định cụ thể về quy mô phân bố khoáng sản, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về diện tích và trữ lượng để tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cùng với đó, việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 còn chậm. Điển hình như đến tháng 7/2017, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua, trong khi đó kỳ quy hoạch trước đã hết hạn năm 2015. Việc chậm điều chỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản đã ảnh hưởng đến công tác cấp phép thăm dò, khai thác và quản lý khoáng sản trên địa bàn.

Điều đáng nói nữa là quy hoạch khoáng sản tại một số vị trí còn chồng chéo với quy hoạch sử dụng đất. Cụ thể như trường hợp của Công ty TNHH MTV Hồng Liên được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác ngày 27/8/2014 tại thôn 2, xã Đắk Ha (Đắk Glong) với diện tích 8,9 ha. Đến năm 2018, công ty làm thủ tục chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên từ Công ty TNHH tập đoàn Sơn Hải và làm thủ tục thuê đất thì toàn bộ diện tích trên bị chồng lấn giữa kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp và đất khai thác khoáng sản của huyện Đắk Glong năm 2018.

Hay trường hợp Chi nhánh Tây Nguyên Công ty cổ phần 508 được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản năm 2009 với thời hạn 20 năm tại mỏ đá bazan Hố Kè ở xã Đắk R’moan với diện tích 19,05 ha. Đến ngày 11/4/2019 do công ty nợ đọng nghĩa vụ tài chính nên UBND tỉnh quyết định thu hồi giấy phép xây dựng thì phát hiện diện tích ban đầu chỉ còn lại 7,5 ha được quy hoạch khai thác khoáng sản. Diện tích còn lại đã quy hoạch thành đất ở, đất trồng cây lâu năm. Đây cũng là nguyên nhân đến nay các doanh nghiệp chưa hoàn thành thủ tục thuê đất để cấp lại giấy phép khai thác.

Quản lý lỏng lẻo

Không những thực hiện quy hoạch chưa tốt mà công tác quản lý quy hoạch cũng hạn chế. Công tác phối hợp, phân công trách nhiệm quản lý khoáng sản cho các cơ sở, ngành, địa phương chưa được thực hiện nghiêm. Công tác quản lý quy hoạch khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu chặt chẽ, để các tổ chức, cá nhân khai thác trái phép làm thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra trong thời gian dài, nhiều nơi thành điểm “nóng” nhưng vẫn chưa có giải pháp để ngăn chặn triệt để. Điển hình như tình trạng vi phạm khai thác cát trái phép ở huyện Krông Nô; khai thác đá bazan dạng cột ở huyện Tuy Đức và Đắk Mil; khai thác than bùn tại huyện Đắk Song; khai thác vàng trái phép ở một số xã của huyện Đắk Glong. Qua giám sát cũng phát hiện có một trạm nghiền hoạt động không có giấy phép nằm cạnh mỏ đá bazan thuộc bon Pinao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) do Công ty Phú Tài đang khai thác.

Đối với tài nguyên khoáng sản chưa được cấp phép khai thác hiện nay cũng đang bị khai thác, xâm chiếm nhiều do trách nhiệm quản lý, bảo vệ của cán bộ cơ sở còn hạn chế, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm nên không kịp thời xử lý để ngăn chặn, bảo vệ.

>>Kỳ 2: Chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý và khai thác khoáng sản

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát, lãng phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO