Tìm lời giải cho "bài toán" rác thải nông thôn

Lam Giang| 17/08/2017 09:06

Quá tải, ô nhiễm mùi hôi… là thực trạng chung được Sở Tài nguyên- Môi trường (TN-MT) chỉ ra sau khi kiểm tra thông tin do báo chí phản ánh về các bãi rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh hiện nay. Một điều đáng quan tâm nữa là việc quản lý rác thải nông thôn đang trong tình trạng “cha chung không ai khóc”.

ADQuảng cáo

Bãi rác “thất thủ”

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở TN-MT, tại các bãi rác ở xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp), xã Quảng Trực (Tuy Đức) và xã Chư K’nia (Chư Jút) cho thấy tình trạng quá tải, ô nhiễm nước thải, mùi hôi diễn ra nghiêm trọng, làm mất tác dụng xử lý rác thải của các bãi rác.

Cụ thể, tại bãi rác xã Chư K’nia đang tiếp nhận xử lý khoảng 18 tấn rác/ngày cho hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra khảo sát thực tế cho thấy, có mùi hôi phát sinh từ bãi chứa và từ lò đốt rác phát tán ra xung quanh khi vận hành. Nước rác thải rỉ ra từ khu vực chôn lấp chưa có biện pháp xử lý theo đúng quy định của bãi rác hợp vệ sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Diện tích bãi rác về lâu dài không bảo đảm đủ nhu cầu xử lý chôn lấp rác trên địa bàn huyện.

Rác thải ở bãi rác thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp) bay vào vườn, nhà cửa của các hộ dân xung quanh. Ảnh: Phan Tuấn

Bãi rác tại thôn Quảng An, xã Đạo Nghĩa do Hợp tác xã nông nghiệp Tân Quý quản lý, vận hành, xử lý rác của 3 xã Đạo Nghĩa, Nghĩa Thắng, Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Trung bình mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận khoảng 20 tấn.

Kiểm tra thực tế cho thấy, có mùi hôi phát sinh từ bãi chứa rác phát tán ra xung quanh. Bãi rác không có sân chứa rác, phân loại rác trước khi đưa vào lò đốt rác, nên nước rỉ từ khu vực chứa ra bên ngoài và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khu vực xung quanh. Mặc dù đơn vị vận hành đã sử dụng các loại men vi sinh, thuốc diệt côn trùng từ 2-3 lần/ngày để xử lý, nhưng vẫn không thể hạn chế mùi hôi.

Một điều đáng lo ngại nữa là hiện tại khả năng của đơn vị chỉ có thể xử lý bằng lò đốt tối đa 10 tấn/ngày, dẫn tới rác thải tồn đọng tại bãi chứa ngày càng nhiều, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường thêm nghiêm trọng.

Bãi rác xã Quảng Trực có diện tích thiết kế là 5.200m2, nhưng lại lộ thiên, không được lót đáy chống thấm và xử lý nước thải theo đúng quy định. Kết quả kiểm tra cũng cảnh báo, do không được đầu tư theo đúng quy chuẩn nên về lâu dài nguy cơ ô nhiễm môi trường đất tại khu vực bãi rác do nước rác thải rỉ ra là rất cao.

ADQuảng cáo

“Cha chung không ai khóc”

Ngoài khó khăn như ông Hiệp đã nêu thì một khó khăn nữa, đó là việc phân bổ kinh phí cho xử lý chất thải rắn chưa được chú trọng và thường xuyên. Qua thực tế khảo sát tại các bãi rác ở các xã Đạo Nghĩa, Quảng Trực, Chư K’nia cho thấy, kinh phí vận hành phục vụ công tác xử lý chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chôn lấp tại các bãi rác quy mô cấp xã trên địa bàn tỉnh còn hạn chế và chưa thường xuyên. Điều này dẫn đến việc thu gom rác thải và các biện pháp xử lý mùi hôi thối không được triển khai thường xuyên. Trong khi đó, lượng rác phát sinh hàng ngày nhiều, mà lò đốt rác hầu hết có công suất nhỏ nên thường trong tình trạng vận hành quá tải.

Các bãi chôn lấp quy hoạch tại các khu vực trung tâm các huyện cũng chưa được đầu tư các công trình xử lý hợp vệ sinh như hệ thống thu gom xử lý nước rác thải, khí rác, hay việc phủ lớp đất trung gian trong quá trình chôn lấp cũng chưa đảm bảo yêu cầu... Việc phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường cho các huyện còn dàn trải, chưa tập trung vào việc triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường trong xử lý rác.

Theo kết quả tổng hợp kế hoạch bảo vệ môi trường và dự toán sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường của UBND các huyện cho thấy, các địa phương chỉ đầu tư các trang thiết bị phục vụ thu gom, xử lý rác mà chưa chú trọng đầu tư cho việc vận hành việc xử lý rác bảo đảm hợp vệ sinh...

Quy định rõ trách nhiệm

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiệp, cùng với ban hành quy định về quản lý chất thải rắn, UBND tỉnh cần quy định rõ trách nhiệm của sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý chất thải rắn. Tỉnh cũng cần sớm có quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, UBND các huyện trong phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường để có thể giải quyết được các vấn đề cần ưu tiên đối với môi trường của tỉnh và của từng địa phương.

Song song đó, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với tầng lớp nhân dân. Người dân cần được khuyến khích sử dụng các biện pháp tái sử dụng các chất thải hữu cơ, dễ phân hủy, tự xử lý tại hộ gia đình các chất thải để hạn chế, giảm thiểu lượng rác tại các bãi chôn lấp.

Trao đổi với báo chí tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng:

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc quản lý rác thải nông thôn trên địa bàn tỉnh là chưa xác định rõ nhiệm vụ của sở ngành nào, nên dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”. Cụ thể, theo Quyết định số 19 ngày 26/4/2016 của UBND tỉnh được ban hành trên cơ sở căn cứ Thông tư liên tịch số 07, ngày 16/11/2015 thì chức năng của Sở Xây dựng bao gồm quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị. Còn tại Quyết định số 25, ngày 30/6/2016 của UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp-PTNT thì chưa đề cập đến nhiệm vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Tại Quyết định số 26, ngày 16/10/2015 của UBND tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở TN-MT, liên quan đến công tác bảo vệ môi trường thì chưa có nhiệm vụ quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lời giải cho "bài toán" rác thải nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO