“Về đích hụt” Kế hoạch 437

Lê Phước| 25/01/2018 09:52

Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, các huyện, thị xã phải hoàn thành việc cấp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng trong năm 2017. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, phần lớn các địa phương vẫn chưa thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích đất đang trồng cây công nghiệp tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có nguồn gốc từ lấn chiếm đất rừng

Nhiều địa phương “trễ hẹn”

Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 437/KH-UBND ngày 10/10/2014 về quản lý và bố trí sử dụng hơn 63.000 ha đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng từ 1/7/2004 - 1/1/2010 thu hồi từ các nông lâm trường giao cho về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng (gọi tắt là KH437), các địa phương đã nhanh chóng rà soát lại và phát hiện chỉ có hơn 28.500 ha đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất. Mặc dù diện tích đã giảm mạnh và UBND tỉnh liên tục đôn đốc, chỉ đạo nhưng nhìn chung, tiến độ thực hiện KH437 tại một số địa phương vẫn rất chậm.

Đến thời điểm hiện tại, huyện Đắk Mil đã hoàn thành việc cấp GCNQSD đất theo KH437. Theo ông Vũ Thanh Phương, Phó Phòng TN&MT huyện Đắk Mil, tổng diện tích huyện phải cấp đất theo KH437 là gần 4.000 ha nhưng rà soát lại chỉ còn 3.299,83 ha. Để thuận lợi cho người dân trong quá trình kê khai, đăng ký, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng TN&MT và Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cử cán bộ trực tiếp xuống các xã để phối hợp kiểm tra, rà soát hồ sơ. Huyện cũng thường xuyên đôn đốc các xã, thị trấn triển khai đến từng thôn, bon để đăng ký cấp GCNQSD đất cho các hộ đủ điều kiện. Nhờ vậy, đến cuối tháng 12/2017, huyện cấp GCNQSD đất cho toàn bộ diện tích theo KH437.

Ngoài Đắk Mil, 7 huyện, thị xã khác đã “trễ hẹn” thời hạn mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Theo thống kê của Sở TN&MT, tiến độ cấp GCNQSD đất theo KH437 tại nhiều địa phương vẫn rất ì ạch. Đáng chú ý có thể kể đến một số địa phương như: Đắk Glong (đạt tỷ lệ 20,79% kế hoạch), Gia Nghĩa (đạt 36,79% kế hoạch), Đắk Song (56,6%)…

Theo ông Đồng Văn Giáp, Phó Phòng TN&MT huyện Đắk Song, phần lớn diện tích đất trên địa bàn huyện được thu hồi từ các công ty lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý nhưng thiếu sự đồng nhất giữa hồ sơ và thực địa. Trong khi đó, việc xét cấp GCNQSD đất phải dựa trên bản đồ địa chính đã được tỉnh phê duyệt vì đây là cơ sở pháp lý, thể hiện mục đích sử dụng đất tại thời điểm đo đạc. Không xác định được thời điểm phá rừng trước hay sau năm 2004 (do không có bản đồ rừng năm 2004) nên địa phương “gặp khó” trong xác định mục đích sử dụng đất với từng thửa đất cụ thể và triển khai KH437. Đây cũng là khó khăn “mang tính khách quan” mà các huyện, thị xã cấp trước KH437 lý giải trong các báo cáo gửi cho Sở TN&MT.

ADQuảng cáo

Một số diện tích đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng tại xã Thuận Hà (Đắk Song) đang được người dân trồng hồ tiêu

“Truy” trách nhiệm tập thể, cá nhân

Mặc dù tiến độ cấp GCNQSD đất theo KH437 tại các địa phương rất chậm nhưng trước khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch này thì 7/8 huyện, thị xã (trừ huyện Krông Nô) đã nhanh tay cấp hơn 3.200 ha. Dẫn đầu “thành tích” này là huyện Đắk Song (919,52 ha), sau đó đến Tuy Đức (795,7 ha), Chư Jút (383,01 ha)…

Mặc dù có cả nghìn hécta đất cấp trước KH437 nhưng huyện Đắk Song cũng “mới phát hiện” sự việc trong mấy tháng gần đây. Theo Phòng TN&MT huyện Đắk Song, diện tích cấp trước tập trung nhiều nhất ở xã Trường Xuân (515,81 ha) và Nâm N’Jang (122,78 ha). Liên quan đến vụ việc này, vào đầu tháng 1/2018, phòng đã tổ chức họp, tiến hành kiểm điểm rút kinh nghiệm 9 cán bộ có liên quan.

Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo, các địa phương đã triển khai việc truy thu phí đo đạc đối với các diện tích đã cấp GCNQSD đất trước KH437. Mặc dù tổng số tiền phải truy thu là hơn 16,1 tỷ đồng (5 triệu đồng/ha) nhưng đến thời điểm hiện tại, các địa phương chỉ mới truy thu được gần 1 tỷ đồng.

Theo ông Ngô Anh Đông, Trưởng Phòng TN&MT huyện Chư Jút, một số diện tích được cấp GCNQSD đất theo các dự án đo đạc thành lập bản đồ địa chính trước khi UBND tỉnh ban hành KH437 nên việc truy thu gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số hộ được cấp GCNQSD đất đã chuyển nhượng hoặc là đồng bào dân tộc tại chỗ, điều kiện kinh tế khó khăn cũng đang “làm khó” cho địa phương trong quá trình truy thu.

Căn cứ vào báo cáo của các địa phương, Sở TN&MT cũng tổng hợp được 213 cán bộ, công chức, viên chức tham gia quá trình cấp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng trái phép trước KH437. Cụ thể, có 19 lãnh đạo UBND huyện, 38 công chức các phòng TN&MT, 40 cán bộ văn phòng đăng ký đất đai, 61 lãnh đạo UBND xã và 55 công chức địa chính cấp xã. Theo ông Bùi Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở TN&MT thì hiện đơn vị đang tiến hành làm việc với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan để sớm tham mưu UBND tỉnh phương án truy thu số tiền đã cấp trước KH437 và xử lý cán bộ, công chức có liên quan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Về đích hụt” Kế hoạch 437
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO