Vì những vùng quê sạch đẹp hơn

Lê Phước| 30/12/2020 09:30

Thời gian qua, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Cư Jút (Đắk Nông) đã triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể để bảo vệ môi trường. Điều này đã góp phần làm cho những vùng quê nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.

ADQuảng cáo

Hơn 1 năm nay, người dân trên cánh đồng Trúc Sơn đã quen với việc thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng. Chất thải này được họ đưa về tập kết tại các hố thu gom rác thải, được lắp đặt dọc ngang các trục đường, kênh mương nội đồng. Những hố thu gom này có hình tròn, đúc bằng bê tông. Các hố có đường kính khoảng 80 cm, cao gần 1m, có lỗ thoát nước và nắp đậy.

Người dân xã Trúc Sơn thu gom bao bì, chai lọ bỏ vào hố thu gom tiện lợi trên cánh đồng

Vừa thu gom được một số chai lọ bỏ vào hố, chị Nguyễn Thị Thủy, một hộ dân làm lúa trên cánh đồng Trúc Sơn kể: Ai cũng biết chất thải thuốc BVTV là độc hại nhưng lâu nay đâu có quan tâm tới mấy việc thu gom, xử lý chai lọ, bao bì.

Từ lúc xã lắp đặt mấy cái hố bê tông này rồi tổ chức thu gom, chúng tôi mới để ý. Ban đầu cũng chưa quen nhưng giờ thì đâu vào đấy rồi. Ai cũng tự thu gom nên trên cánh đồng hiếm khi thấy bao bì, chai lọ thuốc BVTV.

Hố rác BVTV được đặt ở các vị trí thuận lợi để người dân dễ dàng thu gom, tập kết

Là một người chăn bò trên cánh đồng Trúc Sơn nhiều năm, anh Trần Văn Sơn tỏ ra rất phấn khởi khi chúng tôi hỏi về các hố thu gom này. Theo anh Sơn, trước đây vỏ chai, bao bì thuốc BVTV vứt la liệt gần khu vực mương rãnh, bờ ruộng.

Thuốc còn tồn trong vỏ tan vào nước, ngấm vào đất. Vỏ chai, bao bì bao nhiêu năm vẫn không phân hủy được. Bản thân anh lúc nào cũng lo sợ đàn bò ăn phải cỏ gần nơi có vỏ chai hay uống nguồn nước bị ô nhiễm.

Theo bà Lê Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trúc Sơn, ý tưởng lắp đặt các hố thu gom đã được các hội viên thống nhất từ lâu nhưng mãi đến cuối năm 2019 mới triển khai được. Với kinh phí xây dựng khá khiêm tốn (khoảng 1 triệu đồng/cái), Hội Nông dân xã đã sử dụng kinh phí hội để triển khai và vận động các hội viên cùng người dân tự bỏ công sức khảo sát, lắp đặt.

Bà Hoa phấn khởi cho biết: “Ban đầu, chúng tôi huy động các hội viên thu gom vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV hàng tháng, hàng quý. Nhưng hiện tại, phần lớn người dân trên cánh đồng đã tự thu gom, đưa rác thải về hố. Ai cũng có thói quen như vậy thì chắc chắn môi trường sẽ được bảo vệ”.

ADQuảng cáo

Rác thải sinh hoạt được tập kết, xử lý đúng quy định

Việc làm nhỏ với kinh phí ít ỏi tại Trúc Sơn đã thay đổi mạnh mẽ thói quen của nhiều người dân địa phương. Trước những tín hiệu tích cực tại xã Trúc Sơn, cuối năm 2020, huyện Cư Jút đã bố trí kinh phí xây dựng, lắp đặt 30 hố thu gom “tiện lợi” tại xã Ea Pô và Cư K’nia.

Hố thu gom mới lắp đặt to, cao hơn so với hố bê tông tại xã Trúc Sơn. Vẫn được làm bằng bê tông nhưng hố có đường kính khoảng 1m, có 2 ngăn và cao khoảng 1,7m. Các hố này cũng có đáy và nắp đậy, có chỗ thoát nước và khe bỏ chất thải. Xã Cư K’nia và Ea Pô cũng khảo sát kỹ các địa điểm thuận tiện nhất cho người dân thu gom, tập kết chất thải sau đó mới triển khai lắp đặt.

Theo UBND xã Cư K’nia và Ea Pô, qua khảo sát, phần lớn người dân ủng hộ việc lắp đặt các hố thu gom. Thời gian tới, 2 xã sẽ phối hợp với các đoàn thể và ban tự quản các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ rác thải BVTV đúng nơi quy định.

Ngoài vấn đề rác thải thuốc BVTV, việc thu gom rác thải sinh hoạt của người dân được huyện Cư Jút đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, bãi thu gom rác thải của huyện liên tục được đầu tư hàng trăm triệu đồng để nâng cấp, cải tạo. Trên địa bàn huyện có 2 đơn vị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Môi trường khu vực nông thôn tại Cư Jút ngày càng khang trang, sạch đẹp

Huyện Cư Jút có 1 dự án xử lý rác thải với công suất 100 tấn/ngày sẽ được triển khai trong năm 2021. Dự án này được kỳ vọng sẽ xử lý vấn đề rác thải của Cư Jút nói riêng và cả các huyện lân cận như Đắk Mil, Krông Nô…

Theo Trưởng Phòng TN&MT huyện Cư Jút Nguyễn Anh Đông, những năm qua, huyện rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Bên cạnh sự đầu tư kinh phí của huyện, người dân cũng góp sức mình vào bằng những hành động thiết thực, có sức lan tỏa lớn. Nhờ vậy, môi trường khu vực nông thôn ngày càng được cải thiện, không còn những “điểm nóng” như trước.

Ông Đông cho hay: “Chúng tôi rất mừng vì thời gian qua, người dân ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, việc triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường của địa phương nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của người dân. Hy vọng trong thời gian không xa, môi trường nông thôn của huyện sẽ được bảo vệ tốt hơn, góp phần xây dựng những vùng quê nông thôn mới ngày càng khang trang, sạch đẹp”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì những vùng quê sạch đẹp hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO