Đắk Nia thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững

Phan Tuấn| 27/05/2015 10:31

Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, cùng với việc triển khai nhiều chương trình, dự án thiết thực, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) cũng luôn quan tâm, động viên, giúp người nghèo tự tin làm ăn, vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

GIÚP NGƯỜI NGHÈO TIẾP CẬN CÁC CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

Thời gian qua, xã đã triển khai nhiều biện pháp giúp người nghèo được tiếp cận các chính sách về giảm nghèo như: y tế, giáo dục, khuyến nông - lâm – ngư, hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập…Cụ thể, hiện nay trên địa bàn xã đã có 1.437 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với trên 34,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng nỗ lực vào cuộc, bằng việc phối hợp với các ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn kỹ thuật, tư vấn để giúp người nghèo có thêm những kiến thức cần thiết, phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Chỉ trong 2 năm gần đây, thông qua chương trình hỗ trợ trong ngành nông nghiệp, các hộ nghèo đã được cấp phát 18.444 cây, con giống các loại như: bơ, mít, sầu riêng, xoài, ngan, gà và 112 tấn phân bón NPK. Riêng chương trình tái canh cây cà phê cũng đã có 52.870 cây giống được cấp phát đến tận tay các hộ nghèo để thay thế các vườn cây già cỗi, năng suất thấp.

Về chính sách hỗ trợ y tế, từ năm 2011-2015, trên địa bàn xã đã có 13.745 các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiếu số sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn được cấp thẻ bảo hiểm y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; 1.200 lượt người nghèo được khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí ngay tại bon làng. Về chính sách hỗ trợ giáo dục thì trong giai đoạn 2011-2015 đã có 1.663 đối tượng con em hộ nghèo được miễn giảm học phí với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Nhiều trường học được nâng cấp, xây mới, tạo điều kiện cho con em trên địa bàn có điều kiện học tập một cách đầy đủ, toàn diện.

Chương trình giảm nghèo bền vững còn được xã hội hóa sâu rộng, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đóng góp của cộng đồng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn xã đã có 74 hộ nghèo được xây dựng nhà ở kiên cố, giúp “an cư lạc nghiệp”.

TỰ TIN THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương cũng vận động người nghèo, hộ nghèo sống tiết kiệm, học hỏi cách làm ăn, tận dụng tốt các cơ hội và sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ để thoát nghèo bền vững.

ADQuảng cáo

Điển hình như gia đình bà H’Liêh ở bon Phai Kol Pru Đăng đã nỗ lực vượt lên đói nghèo, trở thành hộ có kinh tế ổn định ở địa phương.

Nhờ nỗ lực trong làm ăn, bà H’Liêh đã xây dựng được nhà cửa khang trang.

Bà H’Liêh cho biết: Trước đây, mặc dù gia đình tôi có 4 ha đất, nhưng do chỉ trồng sắn nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi được xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình mới bắt đầu nghĩ đến việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: điều, cà phê. Với việc chăm sóc cây trồng đúng khoa học kỹ thuật nên những năm gần đây, năm nào gia đình cũng có nguồn thu ổn định khoảng 3 tấn điều, 2 tấn cà phê, không còn phải lo cho cái ăn, cái mặc nữa. Nhờ đó, hiện nay, gia đình đã có tích lũy, xây dựng được một ngôi nhà khang trang, rộng rãi, ổn định cuộc sống với chất lượng cao hơn”.

Tương tự, gia đình ông Y’Thanh cũng ở bon Phai Kol Pru Đăng, cùng với việc được tham gia các lớp tập huấn khuyến nông cũng như được tiếp sức bằng nguồn vốn vay ưu đãi nay đã không còn phải lo cái đói, cái nghèo.

Ông Y’Thanh nói: Nhiều năm trước đây, gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo của bon. Nhưng rồi được địa phương tạo điều kiện cho vay vốn của ngân hàng nên mình đã có vốn để đầu tư trồng được 2 ha cà phê, điều... Bên cạnh đó, gia đình còn thường xuyên tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn để học tập thêm kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế sản xuất. Vì vậy, việc làm ăn, sản xuất của gia đình ngày càng phát triển đi lên, các con được học hành đầy đủ.

Nhờ biết học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Y Thanh đã thoát nghèo bền vững.

Theo bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia thì thời gian qua, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chương trình, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, thì xã còn tích cực động viên, khuyến khích các hộ nghèo tự tin làm ăn, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, nhiều hộ nghèo đã tránh được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà xây dựng ý chí tự mình vươn lên thoát nghèo. Vì vậy, nếu như năm 2010 toàn xã có 390 hộ nghèo, chiếm 19,5% thì đến nay đã giảm xuống còn 168 hộ nghèo, chiếm 6,44% dân số toàn xã. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, xã sẽ tích cực lồng ghép các chương trình, chính sách giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như kêu gọi các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm tham gia các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương, góp phần tạo thêm nhiều cơ hội cho người nghèo có thể thoát nghèo một cách bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nia thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO