Những khó khăn của ngành Giáo dục thành phố Gia Nghĩa

Thanh Nga| 08/04/2021 08:54

Số lượng học sinh tăng mạnh, trong khi giáo viên, cơ sở vật chất trường học lại thiếu thốn, khiến cho ngành Giáo dục thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực...

ADQuảng cáo

Áp lực khi học sinh tăng

Thời gian qua, thành phố Gia Nghĩa đã đẩy mạnh thực hiện đổi mới về giáo dục, đáp ứng yêu cầu chung. Thế nhưng, trên thực tế, ngành Giáo dục thành phố Gia Nghĩa vẫn còn rất nhiều tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lược dạy và học.

Các phòng học của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm khá hẹp đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh

Trước hết, số lượng học sinh trên địa bàn thành phố hàng năm đều tăng ở mức cao. Cụ thể, năm học 2013-2014, Gia Nghĩa chỉ có trên 10.600 học sinh. Năm học 2020-2021, toàn thành phố đã tăng lên gần 17.000 học sinh. Bình quân mỗi năm, số học sinh trên địa bàn thành phố tăng từ 7- 8%. Theo lãnh đạo UBND thành phố Gia Nghĩa, đây là mức tăng cao so với điều kiện phát triển hiện nay của địa phương.

Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm là một trong 5 trường số lượng học sinh tăng cao nhất thành phố. Trường hiện nay có 1.514 học sinh, với 33 lớp. So với năm học 2012- 2013, số lượng học sinh của trường tăng gấp 2 lần.

Cô Lê Thị Tuệ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: Số lượng học sinh của trường tăng nhanh, trong khi cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng kịp. Trường cũng đang thiếu 8 giáo viên ở các bộ môn khác nhau. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi lớp học có tối đa 45 học sinh. Nhưng thực tế số học sinh các lớp ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đều cao hơn con số này, trong đó điển hình có lớp lên tới 50 em.

Nguyên nhân là trường đang thiếu từ 4-5 phòng học so với quy định. Để khắc phục vấn đề này, nhà trường buộc phải tăng số học sinh ở các lớp và dùng phòng thư viện để làm lớp học. Học sinh nhiều, nhưng các phòng học của trường vừa cũ kỹ, vừa chật hẹp, nên chưa đáp ứng được chỗ ngồi cho các em.

Hiện nay, 33 lớp của Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đều học chương trình ngoại ngữ hệ 12 năm. Thế nhưng nhà trường chỉ có 1 phòng máy bảng nên rất khó đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Cũng theo cô Tuệ, nếu số học sinh tiếp tục tăng vào năm học 2021-2022, nhà trường chắc chắn không thể bố trí được phòng học. Khi đó, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của nhà trường.

ADQuảng cáo

Khó khăn khi giáo viên bị cắt giảm

Học sinh tăng nhanh, nhưng nhiều năm qua, thành phố Gia Nghĩa lại phải thực hiện cắt giảm giáo viên theo lộ trình tinh giảm biên chế. Thực tế đến nay, thành phố đã cắt giảm 53 giáo viên ở các bậc học. Theo cô Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Gia Nghĩa, thành phố đang thiếu 108 giáo viên ở các cấp học.

Với đà tăng số lượng học sinh như hiện nay, chắc chắn những năm học tới, ngành Giáo dục thành phố sẽ càng khó khăn hơn. "Đây là điều không chỉ khiến cho ngành Giáo dục mà cả chính quyền thành phố phải "đau đầu" trong nhiều năm qua", cô Hà chia sẻ.

Cũng theo cô Hà, năm học tới, ngành Giáo dục phải thực hiện theo chương trình mới, với nhiều thay đổi. Trong đó, chương trình giáo dục ở bậc tiểu học có thay đổi về cơ cấu môn học. Chẳng hạn như môn Tin học và Tiếng Anh đều trở thành môn bắt buộc. Áp lực về giáo viên cho 2 bộ môn này khi đó lại càng lớn hơn. Trong khi đó, thành phố Gia Nghĩa vẫn phải tiếp tục thực hiện cắt giảm biên chế theo quy định chung (giảm 10%).

Giáo viên bị cắt giảm, nên số học sinh mỗi lớp ở hầu hết các trường học đều quá đông, nhất là những trường thuộc khu vực trung tâm thành phố. Một số giáo viên phải dạy liên môn, thậm chí dạy liên trường để khỏa lấp cho tình hình thiếu hụt giáo viên.

Cô Hà nhấn mạnh: "Ở Gia Nghĩa hiện có những giáo viên phải dạy 2 - 3 trường. Nếu cắt biên chế theo kiểu cơ học này có khi dẫn đến tình trạng lợi bất cập hại và rất khó bố trí chuyên môn".

Theo thống kê của Phòng GD&ĐT thành phố Gia Nghĩa, năm học 2021-2022, trên địa bàn dự kiến tăng khoảng 500 học sinh ở bậc tiểu học. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần thêm trên dưới 10 phòng học và một số giáo viên.

Mới đây, HĐND thành phố Gia Nghĩa đã thông qua nghị quyết ưu tiên đầu tư xây dựng phòng học cho những trường cấp thiết nhất để giãn số học sinh trong mỗi lớp. Trong đó, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm và Trường Tiểu học Võ Thị Sáu đều được đầu tư xây dựng 12 phòng học. Trường THCS Nguyễn Tất Thành và Trường Mầm non Hoa Phượng Vàng mỗi trường được đầu tư xây dựng thêm 10 phòng học. Mặc dù vậy, việc xây dựng số  phòng học này chưa biết có kịp tiến độ để phục vụ cho năm học 2021-2022 hay không.

Một bất cập khác là các trường học trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa được phân bổ chưa đều, cộng với việc một số khu vực có dân cư sống rải rác, nên ảnh hưởng đến việc tới trường của nhiều học sinh. Trong đó, phường Nghĩa Đức chưa có trường trung học cơ sở; phường Nghĩa Phú chưa có trường tiểu học và trường trung học cơ sở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những khó khăn của ngành Giáo dục thành phố Gia Nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO