Nông thôn mới mang lại nhiều dấu ấn quan trọng

Thanh Nga| 08/07/2020 09:19

Thành phố Gia Nghĩa đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Thực tế cho thấy, việc xây dựng NTM đã mang lại nhiều dấu ấn quan trọng, nhất là góp phần thay đổi hình thức tổ chức sản xuất và nâng cao đời sống của người dân.

Theo tiêu chí số 13 trong Chương trình xây dựng NTM, mỗi xã phải có ít nhất 1 hợp tác xã (HTX) mới đạt tiêu chí tổ chức sản xuất. Đây là nội dung hết sức quan trọng, bởi vì HTX là mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao thu nhập.

Hợp tác xã Nông nghiệp Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) trồng bí đỏ cung cấp hạt giống cho các công ty

Năm 2019 trở về trước, trên địa bàn Gia Nghĩa có 3 xã gồm Quảng Thành, Đắk Nia, Đắk R’moan. Thực hiện xây dựng NTM, tại 3 xã đã thành lập 5 HTX. Các HTX tập hợp nông dân vào sản xuất và thay đổi tư duy làm nông nghiệp.

Anh Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’moan chia sẻ: "Qua tham khảo các địa phương thấy, nông dân tham gia vào HTX giúp nâng cao thu nhập trên cây trồng, vật nuôi. Năm 2017, tôi cùng một số nông dân cùng thành lập HTX. Chúng tôi định hướng cho nông dân phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch. Nếu trước đây nông dân chỉ chú trọng tăng năng suất thì nay vừa chú trọng đến năng suất và chất lượng để nâng cao giá trị sản phẩm. Bà con đã áp dụng vào sản xuất nông nghiệp sạch đối với cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái". 

HTX Nông nghiệp Đắk Tân, xã Đắk Nia, đã tập hợp nông dân trồng chanh dây, rau, củ theo hướng nông nghiệp sạch. Ông Lê Văn Lục, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đắk Tân cho biết, trước đây, nông dân trồng trọt nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm. Sau khi tham gia vào HTX, họ sản xuất theo hình thức mua chung, bán chung; sản xuất cùng quy trình, cùng chất lượng, nên giảm chi phí đầu tư, nâng cao lợi nhuận. Sản phẩm được HTX thu mua và bán chung, nên không bị ép giá như trước đây. Từ đây, nông dân đã tổ chức lại sản xuất, hiệu quả kinh tế, thu nhập cũng ngày càng cao hơn.

Đến nay, các xã của thành phố Gia Nghĩa đã thu hút khoảng 1.000 nông dân vào HTX. Các HTX đã nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động ngày càng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trợ giúp nông dân trong sản xuất. Các HTX cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Tại các vùng vừa hoàn thành xây dựng NTM (Đắk Nia, Đắk R’moan và Quảng Thành), đời sống cũng như mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng lên. Riêng năm 2019, thu nhập bình quân đạt trên 38 triệu đồng/người.

Việc phát triển kinh tế của người dân, điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được cải thiện rõ rệt. Các chính sách như y tế, giáo dục, tín dụng, khuyến nông, nước sinh hoạt, xóa nhà tạm, nhà dột nát… cho người nghèo cũng luôn được thành phố Gia Nghĩa duy trì thực hiện. Từ đó, người nghèo đã cải thiện được đời sống, tăng thu nhập và từng bước thoát nghèo. Đến nay, trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa đã không còn hộ nghèo.

Tình hình phát triển kinh tế của Gia Nghĩa cũng có rất nhiều thay đổi kể từ khi thực hiện xây dựng NTM. Rõ nét nhất là thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp liên tục phát triển. Trong khi ngành nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Hệ thống cơ sở vật chất về giao thông, y tế, giáo dục... ngày một hoàn thiện.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Gia Nghĩa, Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đã để lại nhiều dấu ấn trong các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Thành phố đang tập trung các nguồn lực để đạt mục tiêu NTM nâng cao tại vùng vừa hoàn thành xây dựng NTM.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông thôn mới mang lại nhiều dấu ấn quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO