Hội nhập tạo lực đẩy cho "con tàu" kinh tế Việt Nam

Hoài Anh (t.h)| 16/09/2021 08:14

Việc chủ động hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giúp nền kinh tế Việt Nam được vận hành và tiếp tục đà tăng trưởng bất chấp tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Mở cửa trở thành mắt xích quan trọng

Trang economist.com (trang tin tức về lĩnh vực kinh tế lớn nhất của thế giới, luôn cập nhật những biến động, những thông tin quan trọng về nền kinh tế của các nước) ngày 30/8 đưa ra nhận định, việc hội nhập với nền sản xuất toàn cầu đã giúp duy trì nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đại dịch.

Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon thuộc Khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên)

Năm 2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 2,9% ngay cả khi hầu hết các nước bị suy thoái sâu. Theo bài báo trên, bất chấp đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện nay, năm 2021, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn được dự báo có thể cao hơn.

Tác giả bài báo cho rằng, việc mở cửa với thương mại và đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng mạnh mẽ và lâu dài. Trong 30 năm qua, Việt Nam là 1 trong 5 nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kỳ tích của Việt Nam không phải nhờ sự lên xuống của nhiều thị trường cận biên khác mà nhờ sự tăng trưởng ổn định.

Sự kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có vẻ giống Singapore. Kể từ năm 1990, Việt Nam đã tiếp nhận dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình 6% GDP mỗi năm, gấp hơn hai lần mức toàn cầu. Khi phần còn lại của Đông Á tăng trưởng và mức lương ở đó tăng, Việt Nam đã hấp dẫn các nhà sản xuất toàn cầu với chi phí lao động thấp và tỉ giá hối đoái ổn định. Điều đó thúc đẩy xuất khẩu bùng nổ. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 137% trong khi xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng 422%.

The Economist nhận định dù Việt Nam đang đối mặt với đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có thể lạc quan về một đất nước dường như đang trong giai đoạn đầu bước vào chu kỳ phép lạ kinh tế Đông Á.

Đánh giá cao các chính sách của Chính phủ Việt Nam

Trước đó, ngày 24/8, WB công bố báo cáo về con đường đến tương lai của Việt Nam. Dựa trên việc phân tích các số liệu thực tế, WB nhận định, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 và gần như giữ nguyên trong nửa đầu năm 2021 so với năm 2020.

Đại dịch đã thúc đẩy chuyển dịch hàng xuất khẩu từ các mặt hàng sơ cấp và thâm dụng tài nguyên sang các mặt hàng công nghệ cao. Cùng với đó, các biện pháp giãn cách xã hội và làm việc tại nhà cũng góp phần chuyển dịch nhu cầu hàng xuất khẩu từ các sản phẩm truyền thống có hàm lượng công nghệ thấp sang các sản phẩm có công nghệ tiên tiến hơn.

Nhu cầu về máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và máy móc thiết bị tăng mạnh, với xuất khẩu các mặt hàng này sang Hoa Kỳ tăng 57% trong năm 2020 và 62% (so với cùng kỳ năm trước) trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu của Việt Nam.

WB cũng đánh giá cao các chính sách, giải pháp của Chính phủ Việt Nam trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. WB khuyến nghị, nếu gói hỗ trợ năm 2021 được triển khai thực hiện thành công và hỗ trợ thêm vẫn được cho là cần thiết thì các cấp có thẩm quyền nên cân nhắc tăng quy mô hỗ trợ. Mức hỗ trợ được cung cấp đủ để bảo đảm những người dân bị ảnh hưởng không bị thiệt hại quá mức nhưng vẫn bảo đảm người thụ hưởng có động lực quay lại làm việc khi có cơ hội phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nhập tạo lực đẩy cho "con tàu" kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO