Sống chung an toàn với Covid-19 là xu thế toàn cầu

Hoài Anh| 19/10/2021 08:32

Đại dịch Covid-19 đến nay vẫn như cơn sóng thần, tấn công hết đợt này tới đợt khác với sự xuất hiện liên tục của những biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2. Tình trạng này đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang sống chung an toàn với Covid-19. Và thực tế đang ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng này.

Biến thể Delta - kẻ làm thay đổi “cuộc chơi”

Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh, cuộc chiến chống Covid-19 của thế giới đã phải thay đổi chiến lược. Thay vì theo đuổi mục “tiêu diệt sạch vi rút”, một số quốc gia đã chuyển sang tìm cách sống chung an toàn với dịch bệnh, người dân cũng được khuyến khích thay đổi nhận thức về đại dịch, nếu bị nhiễm thì tìm cách không để bệnh diễn biến nặng hoặc tử vong vì Covid-19. Do đó, giới quan sát nhận định, biến thể Delta chính là kẻ làm thay đổi “cuộc chơi”, thay đổi cách mà thế giới đã và sẽ chiến đấu với đại dịch.

Delta đã chứng minh là một biến thể nguy hiểm, lây lan nhanh và rộng, có thể phá tan mọi “thành trì” chống Covid-19. Với sự xuất hiện của biến thể này, chiến lược “Zero Covid” cũng không còn hiệu quả khi số ca nhiễm chẳng những không giảm mà còn tăng đột biến dù có phong tỏa chặt cỡ nào. Đó là chưa kể, không một quốc gia nào chịu đựng nổi sức ép về kinh tế với các đợt phong tỏa liên miên.

Các quốc gia đều đưa ra quan điểm, triệt tiêu đại dịch Covid-19 là điều bất khả thi vào thời điểm hiện tại và đã đến lúc cần xác định sống chung với vi rút SARS-CoV-2.

Nhiều quốc gia đưa ra quan điểm đã đến lúc cần xác định sống chung với vi rút SARS-CoV-2. Ảnh tư liệu

Cần phối hợp nhiều giải pháp

Những ngày gần đây, đời sống thường nhật ở Tokyo (Nhật Bản) đã chứng kiến sự thay đổi đặc biệt. Đó là những dòng người đeo khẩu trang đi trên các chuyến tàu điện ngầm, trong khi những người khác cũng trở lại công sở sau nhiều ngày phải ở nhà làm việc trực tuyến. Tại nhiều khu vực khác trên khắp xứ sở mặt trời mọc, nhịp sống hối hả cũng dần “hồi sinh” sau khi tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 ở Nhật Bản đạt gần 70% dân số và số ca nhiễm giảm mạnh, khiến Chính phủ nước này quyết định gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp lần đầu tiên trong 6 tháng qua. Australia đã thông báo chấm dứt chiến lược “zero Covid” và xác định sẽ chấp nhận số ca nhiễm gia tăng, miễn là các bệnh viện có thể đối phó. Và khi tỷ lệ tiêm chủng ở xứ sở chuột túi đạt hơn 80%, phần lớn các biện pháp phong tỏa để chống dịch ở nước này sẽ được dỡ bỏ. Ngay cả New Zealand, quốc gia trước đây được coi là điển hình của chiến lược “Zero Covid”, nay cũng phải thừa nhận rằng, chiến lược này không thể giúp “nhổ tận gốc” đại dịch…

Tờ The Economist nhận định, sống chung với Covid-19 sẽ là xu hướng chủ đạo và tất yếu trên thế giới trong thời gian tới, bởi chiến lược này giúp các quốc gia đạt được nhiều mục tiêu cùng lúc thay vì phải hy sinh lợi ích kinh tế như chiến lược “Zero Covid”. Thế nhưng, điều quan trọng là, dù thay đổi chiến lược chống dịch thì vẫn cần có những biện pháp phòng dịch cơ bản để người dân có thể sống chung một cách an toàn với Covid-19.

Giới chuyên gia cho rằng, để sống chung an toàn với Covid-19, cần phải phối hợp các giải pháp về vắc xin, tăng cường hệ thống y tế, linh hoạt các biện pháp ứng phó dịch tễ tùy theo mức độ lây lan, chính quyền bảo đảm thông tin đầy đủ và mỗi công dân tự đề cao trách nhiệm cá nhân. Thay đổi này không phải là đầu hàng mà là bước chuyển hướng đến chiến thắng vì Covid-19 có thể không phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng và việc học cách thay đổi sẽ giúp thế giới thích ứng tốt hơn với những thách thức tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sống chung an toàn với Covid-19 là xu thế toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO