Tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực

Hoài Anh (t.h)| 23/08/2021 08:40

Tuyên bố chung của Hội nghị cấp bộ trưởng Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) về an ninh lương thực, diễn ra ngày 19/8 theo hình thức trực tuyến đã tái khẳng định cam kết xây dựng một hệ thống lương thực cởi mở, minh bạch, năng suất, bền vững và có khả năng phục hồi thông qua lộ trình an ninh lương thực mới cho giai đoạn 10 năm tiếp theo.

Số người bị đói dự kiến tăng lên

Các nền kinh tế APEC được đánh giá là dễ bị tổn thương và đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh lương thực, bao gồm sự gián đoạn sản xuất và chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra, tình trạng gia tăng dân số, đô thị hóa, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên...

Nhiều quốc gia tại châu Á phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng

Việc nhiều nước đóng cửa biên giới và áp dụng các biện pháp phong tỏa hoặc hạn chế đi lại để phòng dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn tới tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tác động từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến phân phối thực phẩm...

Báo cáo của FAO công bố cuối năm ngoái cho thấy châu Á-Thái Bình Dương là khu vực tập trung tới hơn một nửa trong số 688 triệu người trên toàn cầu bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt, tại Nam Á, do đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, số người bị đói dự kiến sẽ tăng lên tới 330 triệu trong vòng 10 năm tới.

Lời kêu gọi bảo đảm an ninh lương thực bền vững càng trở nên cấp thiết hơn khi các chuyên gia dự báo ngành nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ nuôi sống dân số ước tính tăng lên 9,3 tỷ người vào năm 2050. Bài toán đặt ra hiện nay là làm thế nào để cung cấp đủ lương thực với giá cả phải chăng cho tất cả người dân, đặc biệt khi thế giới đang cùng lúc phải hứng chịu tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

Lộ trình an ninh lương thực APEC

Các đại biểu tham dự hội nghị APEC đã nhất trí thông qua lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2030. Lộ trình đặt ra các mục tiêu và chương trình hành động cụ thể nhằm bảo đảm người dân khu vực luôn được tiếp cận thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn và giá cả phải chăng để có một cuộc sống năng động và khỏe mạnh. Theo đó, các thành viên APEC cam kết áp dụng công nghệ mới, trong đó có chuyển đổi số, để góp phần bảo đảm an ninh lương thực bền vững và tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các thách thức về môi trường.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của khu vực tư nhân trong toàn bộ hệ thống lương thực đồng thời khuyến khích thúc đẩy hợp tác giữa khu vực tư nhân và các nhà hoạch định chính sách để bảo đảm chuyển đổi hệ thống lương thực có khả năng ứng phó những thách thức về an ninh lương thực trong tương lai.

Theo giới phân tích, lộ trình an ninh lương thực APEC hướng tới năm 2030 phù hợp với các ưu tiên trong Năm APEC 2021 của New Zealand cũng như Tuyên bố Putrajaya về tầm nhìn APEC đến năm 2040, trong đó đặt mục tiêu xây dựng một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai.

Việc các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có thể coi là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy các bên đều đã ý thức rõ sự cần thiết phải phối hợp hành động để bảo đảm tất cả người dân khu vực đều có thể tiếp cận đầy đủ lương thực an toàn và giá cả phải chăng. Điều đó một lần nữa thể hiện tinh thần "Cùng đồng hành - Cùng hợp tác - Cùng tăng trưởng" mà New Zealand đã chọn làm chủ đề cho năm APEC 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm lời giải cho bài toán an ninh lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO