Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến tới xây dựng Chính phủ số

Nguyễn Lương| 15/09/2022 16:34

Ngày 15/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về chuyên đề đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và hiện đại hoá phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu Đắk Nông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười tham dự.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười và lãnh đạo các sở, ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Từ năm 2021 đến nay, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hoá 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hoá 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan.

Cổng tham vấn, tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Về phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được đổi mới, phù hợp theo hướng khó khăn, vướng mắc cấp nào thì cấp đó xử lý.

Việc rà soát, đơn giản hoá TTHC nội bộ trong cơ quan hành chính Nhà nước được các bộ, ngành, địa phương chú trọng...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, TTHC trên nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư công, lao động… còn nhiều rào cản, chồng chéo.

Việc tham vấn, lấy ý kiến của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong quá trình xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh chưa được thực hiện rộng rãi. Một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CCHC là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển.

Trong đó, cải cách TTHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số là nhiệm vụ trọng tâm.

Để làm được điều này, từ Trung ương đến địa phương phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của CCHC.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, xem người dân, doanh nghiệp vướng mắc cái gì, ở đâu; bám sát thực tiễn ở các cấp để chủ động giải quyết, tránh tình trạng ỷ lại vào cấp trên.

Từ chính quyền đến đội ngũ công chức phải thay đổi tư duy, nhận thức trong ứng xử với người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng ách tắc ở bất cứ khâu nào...

Từ đầu năm 2022 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực. Cả nước hiện có 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đến nay, có 53/63 địa phương hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, tỉnh. Toàn quốc có 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, với 2,8 triệu tài khoản đăng ký.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiến tới xây dựng Chính phủ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO