Đề xuất 170 triệu USD cho dự án kết nối giao thông Tây Nguyên

09/06/2016 16:06

Ban quản lý dự án An toàn giao thông vừa đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải xem xét trình Chính phủ đầu tư dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên với số tiền lên tới 170 triệu USD bằng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) cho 170km trên Quốc lộ 19.

ADQuảng cáo

Theo phía đơn vị lập dự án, Quốc lộ 19 bắt đầu từ cảng Quy Nhơn và kết thúc tại cửa khẩu Lệ Thanh có tổng chiều dài 243km, đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia... xuống các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và ra biển Đông. Đây là tuyến đường quan trọng nằm trong tuyến hành lang phía Nam thuộc hệ thống giao thông kết nối Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS).

Để phát triển kinh tế, kết nối khu vực, giảm thiểu tai nạn giao thông và đảm bảo an ninh quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 19 theo hình thức BOT (77km) và sử dụng 2 trạm thu phí để hoàn vốn tại km49+700 (huyện Tây Sơn, Bình Định) và km124+720 (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).

Các dự án trên sau khi hoàn thành đều đã được cho phép thu phí để hoàn lại vốn đã đầu tư với thời gian 20 năm. Các đoạn còn lại không thể huy động vốn đầu tư bằng hình thức này do không đảm bảo khả năng thu hồi vốn thông qua các trạm thu phí vì không đủ khoảng cách tối thiểu giữa các trạm thu phí (70km/trạm).

Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải không thể huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa cho dự án do tính kinh tế. Các phần còn lại của Quốc lộ 19 với tổng chiều dài chính tuyến khoảng 140km cùng với 30km tuyến tránh các khu đô thị đã được đăng ký đầu tư trong danh mục đầu tư trung hạn (sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ hoặc vay ODA).

Tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách trong nước hạn hẹp, huy động thông qua trái phiếu có lãi suất cao (hiện trong khoảng 10,5-12%/năm), thời gian trả nợ ngắn nên chưa thể đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và vận tải của Tây Nguyên nói riêng và khu vực miền Trung nói chung.

Bên cạnh đó, theo phía Ban quản lý dự án An toàn giao thông, hiện nay, WB sẽ chấm dứt cho Việt Nam sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (IDA-Hiệp hội Phát triển quốc tế) vào tháng 7/2017. Trong khi với thủ tục trình tự theo quy định mới, để dự án có thể triển khai và sử dụng nguồn vốn ưu đãi IDA là không khả thi.

ADQuảng cáo

Ngoài ra, dự án kết nối giao thông khu vực Tây nguyên đã được WB đưa vào danh mục và sử dụng bằng nguồn vốn vay thương mại IBRD-là nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết và phát triển (lãi suất hiện tại là 1,54%). Nguồn vốn vay theo hình thức IBRD của WB dễ huy động, lãi suất rất cạnh tranh so với huy động IDA (2,3%/năm, thực tế là không thể huy động được) hay trái phiếu Chính phủ có lãi suất huy động cho kỳ hạn 15 năm khoảng 7,6-10%/năm. Do vậy, Ban Quản lý dự án An toàn giao thông kiến nghị sử dụng nguồn vốn này cho dự án.

“Đây là dự án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội xóa đói giảm nghèo cho cả vùng Tây Nguyên (có nhiều đơn vị hưởng lợi) và thực hiện trên phạm vi Quốc lộ (thuộc trách nhiệm đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương) nên không thể bố trí vay lại và hoàn vốn trực tiếp bằng hinh thức thu phí (tuyến đường đã có 2 trạm thu phí và không thể bố trí thêm đề thu phí hoàn vốn). Vì thế, cần có cơ chế riêng cho dự án sử dụng nguồn vốn vay thương mại (IBRD) theo cơ chế tài chính cấp phát để thực hiện dự án”, báo cáo của Ban quản lý dự án An toàn giao thông nêu rõ.

Về tổng mức đầu tư của tuyến đường giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên, dự án sẽ có tổng mức đầu tư dự kiến là 170 triệu USD trong đó phía WB sẽ hỗ trợ cho vay khoản tiền tương đương 150 triệu USD vay theo hình thức IBRD, phần còn lại 20 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam được trích trong khoản ngân sách phân bổ hàng năm cho Bộ Giao thông Vận tải để thực hiện dự án.

Nếu được Chính phủ thông qua, thời gian dự kiến hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trong tháng Sáu này. Thời gian dự kiến hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 1/2017.

Để dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên được triển khai thuận lợi, Ban quản lý dự án An toàn giao thông kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế sử dụng vốn vay thương mại IBRD theo hình thức cấp phát đối với dự án này; cho phép sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và chỉ định thầu đối với Tư vấn báo cáo nghiên cứu khả thi; cho phép Bộ Giao thông sử dụng hình thức hồi tố (theo WB) hoặc hành động trước theo quy định để tổ chức thực hiện tuyển chọn Tư vấn thiết kế kỹ thuật dự án nhằm có thể triển khai thực hiện ngay công tác xây dựng sau khi hiệp định vay có hiệu lực.

Nhằm đáp ứng tiến độ của dự án, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay WB để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai trong đó tại tỉnh Bình Định sẽ nâng cấp đoạn km51+152-km67, với chiều dài 18,4km. Tại địa phận tỉnh Gia Lai nâng cấp các đoạn km67-km90; km131+300-km167 và km180-km247, với tổng chiều dài 123,5km và mở 2 tuyến tránh các khu đô thị lớn là An Khê (10km) và Pleiku (20km).

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất 170 triệu USD cho dự án kết nối giao thông Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO