Ghi dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam

Phan Tân| 24/11/2021 15:02

Ngày 24/11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tuyến.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng chủ trì tại điểm cầu Nhà Quốc hội (Hà Nội).

Các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Đắk Nông.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông nghe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo

Báo cáo tóm tắt về "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; Xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; Các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng" do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày cho thấy, sau 35 năm đổi mới đất nước, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, bản sắc, giá trị văn hóa, con người Việt Nam tiếp tục được kế thừa, phát huy cao độ khi đất nước gặp khó khăn, thử thách do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay…

Cùng với chỉ ra hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, báo cáo nêu rõ những định hướng và nhiệm vụ trọng tâm về phát triển văn hóa trong thời gian tới. Theo đó, Đại hội XIII của Đảng xác định 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Mục tiêu chung là xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng về văn hóa, Đảng ta xây dựng 10 nhóm giải pháp trọng tâm: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển văn hóa, xây dựng con người trong đổi mới và phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, đổi mới tư duy quản lý văn hóa, cải cách bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa; xây dựng văn hóa trong chính trị, trong kinh tế, đặc biệt là văn hóa trong Đảng trở thành tấm gương đạo đức cho xã hội; xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu phát triển; tập trung nguồn lực cho phát triển văn hóa…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận vai trò quan trọng của văn hóa và khẳng định Hội nghị Văn hóa toàn quốc có ý nghĩa về nhiều phương diện và nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng ta luôn luôn quan tâm đến xây dựng và phát triển văn hóa trong suốt sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa Đảng, Nhà nước ta xây dựng là nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”.

Phân tích những vấn đề còn hạn chế trong phát triển văn hóa, những thời cơ, thách thức trước bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tiếp tục tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045...

Trong đó, chú trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.

Phát triển nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với các hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới; chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và xã hội.

Cùng với đó, cần đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ chân - thiện - mỹ; nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, vui tươi, hạnh phúc cho người dân; tiếp tục phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với các huyện ủy, thành ủy

Chỉ rõ những giải pháp trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa để đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa và trên cơ sở đó xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hóa. Trong đó phải khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa, "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn, sau hội nghị, công tác văn hóa sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo chương trình, chiều 24/11, hội nghị nghe tham luận của các đại biểu xoay quanh các vấn đề như: động lực và sức mạnh nội sinh của văn hóa trong sự phát triển của đất nước hiện nay; hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng môi trường văn hóa, nhiệm vụ quan trọng để phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam và phát huy giá trị của các di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO