"Ngày cà phê Việt Nam" lần 2, năm 2018: Phát triển sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị, gia tăng lợi ích cho các bên

Hồng Thoan| 10/12/2018 17:18

Tiếp tục chuỗi sự kiện trong Chương trình "Ngày cà phê Việt Nam" lần 2, năm 2018, sáng 10/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Đắk Nông (thị xã Gia Nghĩa) đã diễn ra Hội thảo phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam.

Video clip:

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Phó Ban chỉ đạo,Trưởng Ban tổ chức Ngày cà phê Việt Nam lần 2 cho biết chế biến sâu mặt hàng cà phê cuả tỉnh còn hạn chế

Các ông  Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội cà  phê  Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo; Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức;  Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục chế biến, Bộ Nông nghiệp- PTNT; Bạch Thanh Tuấn, Ủy viên Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 đại biểu là chuyên gia quốc tế, các bộ,  ngành, tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, nông dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Jose sette, Chủ tịch Hiệp hội cà phê thế giới nhấn mạnh cần coi nông dân là trung tâm của chuỗi giá trị trong sản xuất cà phê

Việt Nam hiện có khoảng 645.217 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, với khoảng 577.000 ha, trong đó Đăk Lắk có diện tích lớn nhất, tiếp đến là Lâm Đồng, Đắk Nông xếp vị trí thứ 3. Năng suất cà phê của Việt Nam trung bình đạt 2 tấn nhân/ ha, thuộc nhóm nước có năng suất cà phê cao trên thế giới. Cà phê Việt Nam chế biến sâu chưa nhiều, sản lượng chế biến cà phê nhân khoảng 1,5 triệu tấn/năm và sản lượng chế biến cà phê hòa tan khoảng 200.000 tấn/ năm.

Năm 2017, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê nhân đạt trên 2.257 USD/tấn, tăng 20,5% so với năm 2016, giúp ngành cà phê thu về trên 3,2 tỷ USD. Cùng với đó, ngành sản xuất cà phê Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sản lượng cà phê các nước khác tăng, tăng sự cạnh tranh...

Nông dân Đắk Nông nêu vấn đề nâng cao giá trị sản phẩm cà phê tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Thanh Tùng đã nêu rõ thực trạng sản xuất cà phê của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Theo đó, bên cạnh những thành công, sản xuất cà phê hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể như sản xuất nhỏ lẻ, tiêu thụ thô, tỷ lệ chế biến sâu còn khiêm tốn, sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều bấp cập. Do đó, tỉnh mong muốn qua hội thảo sẽ tìm giải pháp phát triển sâu từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị ngành hàng này.

Ông Jose sette, Chủ tịch Hiệp hội cà phê thế giới  trao đổi với nông dân về giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cà phê

Trên cơ sở những thông tin nắm bắt từ hội thảo cũng như tham quan mô hình, ông Jose sette, Chủ tịch Hiệp hội cà phê thế giới cho rằng ngành cà phê Việt Nam phát triển nhanh, trở thành nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thị trường quốc tế; nông dân sản xuất theo quy trình và làm giàu từ cà phê ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam cũng bộc lộ nhiều thách thức, trong đó sự thiếu bền vững trong chuỗi giá trị, nông dân phải thành trung tâm của chuỗi cung ứng, giá trị gia tăng cho các bên tham gia chưa nhiều. Việt Nam cần có sự sáng tạo hơn, đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới.

Hơn 200 người tham dự hội thảo

Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế, các hiệp hội, cà phê châu Á, Asean, các nhà sản xuất cà phê trong nước và quốc tế. Một số nông dân trong tỉnh cũng đã nêu lên các vấn đề thảo luận tại hội thảo, các ý kiến của nông dân được Ban tổ chức trao đổi, giải đáp thỏa đáng.

Theo đó, hội thảo đi đến khẳng định về sự cần thiết phải liên kết, hợp tác để đối mặt với những khó khăn, thách thức cùng nhau phát triển sản xuất ngành hàng cà phê bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Ngày cà phê Việt Nam" lần 2, năm 2018: Phát triển sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị, gia tăng lợi ích cho các bên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO