Nhớ mãi chuyến xoi đường lịch sử năm xưa

Hoàng Hoài| 29/10/2017 17:42

Hơn 57 năm trôi qua, những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông vẫn không thể nào quên được thời khắc ngày 30/10/1960. Và hôm nay, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng khi trở về thăm lại vùng đất từng là chiến trường xưa, những kỷ niệm về chuyến xoi mở đường táo bạo ấy lại một lần nữa sống lại trong lòng của họ.

ADQuảng cáo

Hiện nay, dù tuổi cao, nhưng ông Ao Sỹ, nguyên cán bộ Đoàn B90 vẫn còn nhớ như in quãng thời gian ông tham gia xoi mở đường hành lang chiến lược Bắc-Nam từ Nam Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ.

Đơn vị B90 lúc ấy chỉ có 25 người, vượt vĩ tuyến 17 đi theo con đường hành lang của Khu 5 vào Nam Tây Nguyên. Lúc bấy giờ, Nam Tây Nguyên là vùng trắng chưa có cơ sở cách mạng. Cho nên, muốn mở thông con đường để Trung ương chi viện cho cách mạng miền Nam thì phải mở đoạn đường chiến lược qua tỉnh Đắk Nông hiện nay. 

Tại nơi đây, vào ngày 30/10/1960, Tổ xung kích của Đội 1 thuộc Đoàn B90 đã bắt được liên lạc với bộ phận của đoàn C200, hoàn thành việc xoi mở đường, nối chiến trường Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, chính thức khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, bảo đảm sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

ADQuảng cáo

Ông Ao Sỹ cho biết: “Trải qua nhiều lần móc nối chưa thành công, chịu tổn thất về người và nếm trải không biết bao nhiêu mất mát, khổ cực, cuối cùng Đoàn B90 cũng đã kết nối được với đoàn C200 thành công, khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam. Điểm khai thông, bắt liên lạc tại tỉnh Quảng Đức (cũ) có ý nghĩa rất quan trọng về mặt chiến lược. Chính việc khai thông tuyến đường này đã chấm dứt thời kỳ chiến trường bị chia cắt, đưa cách mạng miền Nam nói chung, Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ nói riêng chuyển sang một giai đoạn mới, góp phần vào thắng lợi chung của cả cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi nhiệm vụ hoàn thành, anh em chúng tôi rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé vào nhiệm vụ lớn của cách mạng miền Nam”.

Ông Nhường, ông Ao Sỹ (thứ nhất và thứ 2 từ phải qua) và ông Tâm (ngoài cùng bên trái) vui mừng gặp lại nhau trong dịp về dự Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ tham gia khai thông đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, đoạn qua tỉnh Đắk Nông

Tương tự, hàng chục năm trôi qua, ông Nguyễn Thanh Tâm, nguyên cán bộ Đoàn C200 cũng nhớ như in những ngày tháng thực hiện nhiệm vụ khai thông mở hành lang chiến lược Bắc-Nam. Để có được giờ phút lịch sử ngày 30/10, trước đó, Đoàn C200 đã vượt qua bao nhiêu vất vả, lội suối băng rừng, vượt sông Đồng Nai. Khi đã tới địa điểm suối Đắk R’tíh, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa ngày nay, các ông phát hiện được dấu vết nghi của anh em mình ngoài Bắc vào để lại, sau đó, báo cáo cho Ban chỉ huy đoàn. Vì những dấu vết như dấu cột võng trên cây, nấu cơm ăn, dấu ngụy trang thì không thể của lính ngụy hay người dân đi đánh cá được. Lúc bấy giờ, đoàn báo cáo về và Xứ ủy chỉ đạo phải đeo bám điểm đó, chắc chắn đồng chí, đồng đội bên mình sẽ trở lại. Do đó, dù có chuyện gì, đơn vị ông tiếp tục đeo bám dấu vết đó đến cùng nhằm tìm móc nối với đoàn ngoài kia vô. Một lần, khi ông và một đồng đội nữa vừa đặt lưng lên võng thì một đồng chí khác đang làm công tác hậu cần nghe tiếng động bên ngoài. Ông Tâm kể: “Lúc ấy, anh Năm bên đoàn B90 trực tiếp đi vào, đạp nhánh cây ngã cái rắc. Đồng chí đang lui cui nấu cơm, làm cá nhòm lên thấy anh Năm, đưa súng lên tính bắn thì anh Năm khoát tay nói đừng bắn anh em mình đó. Lúc này cấp bách quá nên chỉ biết khoát tay chứ không nói gì được. Lúc bấy giờ, tụi tôi mới bỏ súng xuống, rồi anh em ôm nhau không nói được lời gì, òa lên khóc mà thôi”.

Ông Phạm Văn Nhường-nguyên cán bộ Đoàn B90 kể lại, có lần, ông và 3 người nữa đi tới dòng sông Đắk R’tíh thì hết gạo, sau đó, phân công hai người ở lại, còn ông thì quay trở lại chỗ cũ lấy gạo. Nhưng khi ông quay trở lại thì không thấy ai, trời lại tối, nên ông nằm võng ngủ lại đó. Sáng ra, ông đi tìm, không thấy bóng dáng anh em, xong lên trên có khe núi nhỏ vì chỗ đó mới có nước uống. Đến nơi, ông tìm thấy mấy đồng chí vừa khóc vừa nói: "Đồng chí Thời chết rồi, chết rớt xác rồi, hy sinh rồi". Sau đó ông nghĩ, xuống ngay chỗ đồng chí Thời hy sinh ngủ ở đó một đêm rồi qua sông để về chiến khu D. Khoảng 4 giờ chiều, ông và một số anh em đi tới đó nghe tiếng động, thấy có căng ni lông thì ông phân công cho hai đồng chí khác núp ở ngoài cột đá cảnh giới, một mình ông vào. Ông Nhường cho biết: “Khi vào nghe tiếng động, anh em bên Đoàn C200 lấy súng lên đạn đưa ngang hông định bắn thì tôi nói, đừng bắn, tụi tao ở ngoài Bắc vô, thấy căng ni lông là tôi biết anh em mình rồi. Ngày 30/10/1960, chúng tôi đã bắt liên lạc được với các đơn vị khác, khai thông được tuyến đường hành lang chiến lược Bắc-Nam, bảo đảm việc chi viện của miền Bắc cho miền Nam, góp phần thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sau này".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ mãi chuyến xoi đường lịch sử năm xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO