Hé lộ nền văn minh nông nghiệp của người tiền sử ở Tây Nguyên

Anh Bằng| 08/08/2014 09:39

Các phát hiện về khảo cổ học mới đây cho thấy cư dân cổ đại Tây Nguyên cách ngày nay hàng ngàn năm có một nền văn minh nông nghiệp đặc trưng và thuần túy, với tập quán sinh hoạt và cư ngụ khác hẳn với nhiều vùng đất ở Việt Nam.

ADQuảng cáo

Khảo cổ học nhận định, hầu hết môi trường sinh sống của người tiền sử Tây Nguyên đều có chung một điểm đồng quy là gắn kết với nguồn nước sẵn có của thiên nhiên. Địa bàn cư ngụ của họ là gò, đồi, triền đồi... dọc theo sông, suối, ao hồ, đầm lầy; chưa có di chỉ nào tách bạch riêng biệt với sông ngòi, ao hồ và chưa thấy xuất hiện di chỉ hang động như các vùng khác.

Tại Đắk Nông, phát hiện gần đây là di chỉ khảo cổ thôn Thác Lào và thôn Trung Sơn (xã Ea Pô, Chư Jút) phân bố dọc theo sông Sêrêpốk; di chỉ thôn 17, xã Nhân Cơ phân bố khu vực suối đá, di chỉ thôn 6 xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) phân bố ở đầm lầy thôn 6.

Khai quật di chỉ khảo cổ tại thôn 8, xã Đắk Wil (Chư Jút) năm 2013. Ảnh: Anh Bằng

Tại Kon Tum di chỉ Lung Leng, Sa Thầy; di chỉ Biển Hồ, Trà Dôm (Gia Lai) cũng đều phân bố ở khu vực đầm lầy và sông, suối.... Người tiền sử đã dựa vào nước để sinh sống và địa bàn cư trú của họ luôn có sự gắn kết thủy - thổ để tạo môi trường thuận lợi cho mọi hoạt động và tồn tại của mỗi nhóm cư dân.

Các di chỉ khảo cổ ở vùng đồng bằng, Duyên hải miền Trung ít tìm thấy công cụ lao động bằng chất liệu đá, mà phổ biến là đồ đồng. Ngược lại, di chỉ khảo cổ Tây Nguyên ít thấy xuất hiện kim khí, phần lớn là công cụ đá, như rìu, bôn, cuốc, dao... Chứng tỏ đồ đá Tây Nguyên thời tiền sử phát triển ở đỉnh cao của công cụ lao động nông nghiệp tiến bộ nhất cả về số lượng lẫn chất lượng mà nhiều vùng trong nước chưa đạt tới.

Khảo cổ học đã phát hiện trên bề mặt di chỉ dọc theo sông Sêrêpốk hàng trăm hiện vật đá, gồm công cụ lao động như rìu có vai, rìu hình thang, bôn tứ giác.... Năm 2006 và 2013, Viện Khảo cổ học khai quật di chỉ thôn 8, thu thập hàng ngàn hiện vật, gồm rìu mài lưỡi, mảnh tước, đồ gốm có niên đại cách ngày nay 4500 năm...

Như vậy, cư dân cổ Tây Nguyên đã sử dụng đồ đá xuyên suốt hàng chục vạn năm (thời kỳ đá cũ) cho đến thời kỳ đá mới - và sơ kỳ kim khí 2500 năm trước công nguyên. Trong trồng trọt, họ dùng rìu để chặt cây khai phá đất nông nghiệp, dùng rìu hoặc bôn để đẽo, vót nhọn cây rừng làm công cụ lao động như gậy chọc lỗ tra hạt (lúa, ngô...).

ADQuảng cáo

Trong săn bắt, họ dùng rìu để chặt cây rồi dùng bôn... gọt dũa thành vật nhọn như lao để đâm thú rừng. Khi có sản phẩm người ta dùng dao hoặc các mảnh tước bằng đá có bề mặt sắc bén để mổ xẻ thú rừng...

Việc phát hiện hàng ngàn công cụ lao động bằng chất liệu đá minh chứng cho một thời kỳ thịnh vượng của nền văn minh nông nghiệp cổ đại Tây Nguyên. Ngoài nghề săn bắt, hái lượm thì nghề trồng trọt của người cổ cũng đã khẳng định vị thế của mình trong sản xuất lương thực.

Viện Khảo cổ học phát hiện nhiều công cụ lao động cuốc tay tại di chỉ thôn 6, xã Đắk Wer và di chỉ thôn 7, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Theo đó, người cổ ở Đắk Nông đã sử dụng cuốc để đào củ rừng và cuốc đất trồng hoa màu trong sản xuất nông nghiệp.

Cư dân vùng đồng bằng ven biển phổ biến là trồng lúa nước, thì cư dân cổ Tây Nguyên có truyền thống trồng lúa rẫy. Họ chọn các khoảnh đất tiếp giáp với sông suối, đầm lầy, nơi gần nước để gieo trồng, thuận lợi cho hoa màu phát triển và các sinh hoạt khác.

Dọc sông Sêrêpốk là một trong những môi trường sống của người tiền sử Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Tâm

Gần đây khảo cổ học đã phát hiện nhiều di chỉ xưởng chế tác đồ đá ở Tây Nguyên, phản ánh mức độ chuyên hoá cơ cấu sản xuất và phân công lao động minh bạch trong xã hội nguyên thủy. Tại Sa Thầy (Kon Tum) và Kon Chro (Gia Lai) người ta đã phát hiện di chỉ xưởng chế tác công cụ lao động bằng đá quy mô lớn, với hàng ngàn hiện vật, chứng minh sự đột phá trong quá trình lao động của cư dân cổ vùng đất này.

Mới đây, Viện Khảo cổ học phát hiện di chỉ xưởng chế tác công cụ đá cách ngày nay 4500 năm (di chỉ xưởng thôn Tám, Chư Jút). Bước đầu cho thấy, nền kinh tế nông nghiệp cổ đại đã có sự chuyên hóa về thủ công nghiệp, nhu cầu trao đổi sản phẩm lao động như công cụ rìu, cuốc, bôn với lương thực, thực phẩm giữa những nhóm cư dân này với cư dân khác trong vùng hoặc rộng hơn nữa là trong khu vực, tạo cho không gian văn hóa Tây Nguyên cổ đại có sự giao thoa phong phú, hình thành bức tranh văn hoá cổ đại đa sắc, sống động, riêng biệt và độc đáo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hé lộ nền văn minh nông nghiệp của người tiền sử ở Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO